Ngân hàng đua nhau mua trái phiếu trước hạn, đâu là nguyên nhân?
Trong những tháng cuối năm, các ngân hàng đã liên tục tung động thái ồ ạt mua vào trái phiếu trước hạn, rồi lại liên tiếp huy động mới hàng nghìn tỷ đồng.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng đang liên tục giảm trong thời gian vừa qua cho thấy lượng "tiền thừa" đang tăng mạnh. Trong bối cảnh "thừa tiền", các ngân hàng lại tiếp tục thực hiện việc mua lại trái phiếu trước hạn, song song với việc phát hành mới.
>> VIB chi 3.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Động thái này, trước đó đã được các chuyên gia lý giải, là một trong những cách khiến ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn trước các đợt tăng vốn điều lệ gần đây. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tốt nhất để các ngân hàng tái cấu trúc vốn rẻ trong điều kiện nguồn tiền dư thừa.
Mạnh tay mua vào trái phiếu trước hạn
Mới đây Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã mua toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn với mã OCBL2124011. Lô trái phiếu này phát hành ngày 15/12/2021, đáo hạn vào tháng 12/2024, lãi suất cố định 3,2%/năm. Trước đó, OCB cũng đã nhiều lần mua lại trái phiếu trước hạn, tổng 12.400 tỷ đồng được chi ra để mua lại toàn bộ 14 đợt trái phiếu phát hành trong năm 2021 và 2022.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa mua toàn bộ 2 lô trái phiếu LPBH2124014 và LPH2124015 phát hành tháng 12/2021 với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Động thái này thực hiện ngay sau khi LPBank mua lại 4.100 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào tháng 7/2023....
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) |
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) mới đây có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị là 1.500 tỷ đồng. Kể từ đầu năm đến nay, VIB đã có 17 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị mua lại lên tới 6.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã tiến hành mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng việc các ngân hàng mua lại trái phiếu ồ ạt trùng hợp với diễn biến huy động tiền từ dân cư tăng trưởng tích cực trong 3 quý đầu năm, nhưng tín dụng lại tăng chậm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng khoa Thị trường tài chính (Trường Kinh tế TP.HCM), cho rằng, việc mua trái phiếu dường như là một cách giải quyết bài toán giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế còn trì trệ hiện nay. Chưa kể, việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các nhà băng.
Ngân hàng cũng không ngừng phát hành trái phiếu mới
Ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, các ngân hàng cũng lại đang liên tục phát hành trái phiếu mới. OCB phát hành thành công 2.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị trái phiếu được OCB huy động từ đầu năm lên tới 17.350 tỷ đồng.
>> Techcombank (TCB) huy động thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Những con số có thể không dừng lại ở đó, theo nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ công bố hồi tháng 6/2023, OCB dự kiến phát hành tối đa 26.000 trái phiếu, chia thành 15 đợt trong quý II, III và IV/2023, với giá trị mỗi đợt 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
VIB ngày 12/12 đã phát hành 790 trái phiếu tỷ đồng với lãi suất 8%/năm kỳ hạn 7 năm, nâng tổng giá trị trái phiếu ngân hàng kể từ đầu năm lên 8,5 nghìn tỷ USD.
Vietcombank cũng phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ vào tháng 12/2023 với kỳ hạn tối đa 6 năm, lãi suất thả nổi.
Agribank mới đây công bố đã phát hành 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu ra công chúng vào năm 2023, thu hút sự tham gia của 14.156 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.
Các ngân hàng không ngừng phát hành thêm trái phiếu |
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng dư nợ cho vay thấp cho thấy nhu cầu vay vốn không mạnh, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào. Tiền trong lưu thông buộc các ngân hàng phải mua lại trái phiếu để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và giảm mức độ dư thừa vốn.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.
Như vậy, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ mệnh giá, vừa có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm. Điều này tăng giá trị được tính vào vốn cấp 2.
Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đến hết 11 tháng năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đăng ký là 247.590 tỷ đồng, trong đó có 28 đợt phát hành ra công chúng với mức giá 27.071 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng giá trị phát hành; 210 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 220,52 tỷ đồng, chiếm 89,1% tổng giá trị phát hành. Ngành ngân hàng có thị phần phát hành lớn nhất với 120.058 tỷ đồng, chiếm 48,6% tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong năm tới. Lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp là cơ hội tốt cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất ngân hàng thấp cũng là yếu tố thuận lợi khiến kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn.
>> LPBank muốn huy động 8.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cuối năm