Ngân hàng nào đã soán ngôi "vua" CASA của Techcombank?

07-02-2023 13:20|Hoàng Yến

Trong năm 2022, hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đi xuống, vị trí quán quân CASA cũng đã có sự thay đổi sau 3 năm.

Kết thúc năm 2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại hầu hết ngân hàng có dấu hiệu đi xuống trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao trong năm qua cùng tâm lý tiêu cực về thị trường trái phiếu và bất động sản.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, trong năm 2022, chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA (tính bằng (tiền gửi không kì hạn+tiền ký quỹ)/ tổng tiền gửi) tăng, một ngân hàng giữ nguyên và 22 ngân hàng giảm.

Đáng chú ý, Techcombank, quán quân CASA trong 3 năm liên tiếp đã ghi nhận sụt giảm mạnh CASA trong năm 2022 và để mất vị trí dẫn đầu vào tay của MB. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước đạt hơn 132 tỷ đồng và chiếm 37% trong tổng huy động vốn. Cùng với KienlongBank, Techcombank cũng là ngân hàng có mức sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ này.

Về phía MB, tổng tiền gửi không kỳ hạn của ngân giảm từ 171 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống 167 tỷ đồng vào cuối năm 2022, đưa tỷ lệ CASA từ 47,6% về 40%. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn thành công trong việc soán "ngôi vua" CASA của Techcombank.

Ngân hàng nào đã soán ngôi
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của 27 ngân hàng niêm yết.

"Ông lớn" Vietcombank cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm từ 35,1% xuống 33,1%. VietinBank và BIDV duy trì tỷ lệ CASA tương đối ổn định trong năm qua khi chỉ ghi nhận chỉ tiêu này giảm nhẹ.

Các ngân hàng có tỷ lệ CASA tăng trong năm 2022 đều là những ngân hàng có quy mô nhỏ như PG Bank, SeABank, BacABank và VietBank.

Lý giải về sự sụt giảm mạnh về CASA của mình, Techcombank cho biết trong bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm. Do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, các ngân hàng liên tục "chạy đua" tăng lãi suất để hút tiền gửi, do đó, người dân có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để nhận lãi suất cao thay vì để tiền trong tài khoản tiền gửi không kỳ hạn.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt.

Một công ty chứng khoán không có nhân viên môi giới muốn lên sàn với định giá 5 tỷ USD

CEO Techcombank: 'Tôi không nghĩ TCB sẽ bị ‘tụt hậu’ nếu không nhận hỗ trợ các ngân hàng yếu kém'

Cổ đông Techcombank (TCB) lo lắng về khoản mục 'Khác' chiếm tới 10% tổng tài sản của Ngân hàng và lời giải thích của lãnh đạo

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-nao-da-soan-ngoi-vua-casa-cua-techcombank-168321.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngân hàng nào đã soán ngôi "vua" CASA của Techcombank?
POWERED BY ONECMS & INTECH