Sau cuộc đua tăng mạnh lãi suất huy động cuối năm ngoái, các ngân hàng đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi, kéo theo hệ lụy lãi suất cho vay khó giảm nhanh.
Chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng tăng đột biến
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy vậy, lãi vay chưa thể giảm ngay, mà cần thêm vài tháng nữa, khi ngân hàng “hấp thụ” hết nguồn vốn huy động với giá cao trước đây.
Sau cuộc đua lãi suất huy động cuối năm ngoái, các ngân hàng đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi.
Tại báo cáo tài chính quý 1/2023 cho thấy, chi phí trả tiền gửi của các ngân hàng vào khoảng 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83,43% so với cùng kỳ. Theo đó, có tới 27/28 ngân hàng trên sàn có chi phí trả lãi tiền gửi tăng trên 50%. Có 9 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.
Đơn cử như tại Ngân hàng MSB, chi phí trả lãi tiền gửi gần 1.850 tỷ đồng, tăng 1.115 tỷ đồng (khoảng 152%). Chi phí lãi tiền gửi của TPBank ở mức 3.197 tỷ, tăng 1.870 tỷ (khoảng 130%)…
Tại MB, chi phí lãi tiền gửi trong quý 1/2023 là 5.186 tỷ đồng, tăng 2.896 tỷ đồng (tương đương 126%) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí này chiếm khoảng 72,5% trong khoản mục chi phí lãi và các chi phí tương tự của MB.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận khoản trả lãi tiền gửi tăng trên 100% là: VPBank đạt 5.536,7 tỷ đồng (tăng 111,5%); VIB đạt 3.984 tỷ đồng (tăng 101%),...
Nhóm ngân hàng có mức trả lãi tiền gửi tăng trên 50% trong quý vừa qua gồm: ACB đạt 6.283,8 tỷ đồng (tăng 97,8%); Sacombank đạt 7.461,7 tỷ đồng (tăng 88,2%); Vietcombank đạt 12.909,1 tỷ đồng (tăng 84,7%); SHB đạt 8.939 tỷ đồng (tăng 77,7%); LPBank đạt 3.914,8 tỷ đồng (tăng 77,55 %); NCB đạt 1.436 tỷ đồng (tăng 76%).
Chỉ có duy nhất một ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng dưới 50% trong quý vừa qua là BacABank (tăng 33%).
Điều đáng nói, dù chi trả nhiều hơn nhưng các ngân hàng lại không thực sự thu hút được nhiều nguồn vốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 2,15%
Hệ quả lãi suất cho vay khó giảm nhanh?
Không chỉ chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở hầu hết ngân hàng. Đó chính là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm sâu như mong đợi.
Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất cho vay dự kiến giảm về mức trước dịch sau vài tháng nữa, khi các ngân hàng thương mại “hấp thụ” hết lượng vốn giá cao trước đây.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù lãi suất cho vay có thể giảm thêm thời gian tới nhưng với sức khỏe doanh nghiệp yếu đi, điều kiện giải ngân không được “nới”, nhiều khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng chậm.
Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng hiện đang thực hiện điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay. Nhưng để giảm sâu có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì cần thêm vài tháng nữa.
Đại diện Công ty TNHH Sinh Dương (Hà Nội) cho biết, trước đây, mức lãi suất mà doanh nghiệp phải vay lên tới gần 11%/năm nhưng hiện nay đã giảm khoảng 0,5 – 1%. Điều này hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn để có điều kiện tốt hơn trong việc nhập hàng.
Trước đó, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó tác động lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Lãi suất cho vay hiện tại cao một phần là do ngân hàng đã huy động một lượng vốn có chi phí cao từ khoảng nửa cuối năm ngoái.
Nhiều ngân hàng đã trót huy động lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái nên hiện khá chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.