Ngân hàng 'nhập cuộc' chạy đua tăng vốn khủng

11-03-2024 11:52|Dương Lam

Hoạt động tăng vốn này chính là cơ hội cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định 'xuống tiền' với dòng cổ phiếu ngân hàng.

Ngay những tháng đầu năm 2024, các ngân hàng thương mại đã 'rục rịch' công bố các kế hoạch tăng vốn điều lệ đầy ấn tượng. Theo đó, những thay đổi trong thứ hạng giữa các ngân hàng cũng sẽ được điều chỉnh. Hoạt động tăng vốn này chính là cơ hội cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định 'xuống tiền' với dòng cổ phiếu ngân hàng.

Chủ đề tăng vốn dự kiến là 1 trong những điểm 'nóng' trong cuộc họp cổ đông sắp tới.

Cụ thể, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) sẽ phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này sẽ nâng quy mô tối đa lên khoảng 11.800 tỷ đồng. NCB sẽ triển khai trong quý II/2024 để sớm có nguồn vốn bổ sung cho kinh doanh.

LPBank (LPB) cũng công bố thông tin thay đổi vốn điều lệ sau khi chào bán thêm 500 triệu cổ phiếu ra công chúng. Sau phát hành, LPBank nâng quy mô vốn điều lệ từ 20.576 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng. Theo đó, Đại hội cổ đông ngân hàng sắp tới sẽ thảo luận về phương án chi tiết phân phối lợi nhuận năm 2023 và phương án phát hành cổ phiếu năm 2024.

Ngân hàng 'nhập cuộc' chạy đua tăng vốn điều lệ
Ảnh minh họa

SaigonBank cũng có kế hoạch tăng vốn sau hơn một thập kỷ, bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Theo đó, ngân hàng sẽ nâng quy mô vốn điều lệ từ 308 tỷ lên 3.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, SaigonBank vẫn có thể trở thành nhà băng có vốn thấp nhất hệ thống bởi PGBank cũng đang muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Thực tế, trong vòng một năm qua, NHNN đã chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho hơn 20 nhà băng. Dự kiến, tại mùa đại hội trong sắp tới, nhiều đơn vị sẽ công bố chi tiết hơn về các phương án nâng thêm quy mô vốn.

Việc sở hữu vốn điều lệ lớn hơn sẽ cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng. Do đó, các đơn vị này đang đẩy nhanh quá trình phát hành cổ phiếu để có thêm nguồn lực.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình chia sẻ rằng, Vietinbank (CTG) vừa mới hoàn tất đợt tăng vốn lên gần 53.700 tỷ đồng cuối năm 2023, ngân hàng muốn dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại của năm 2022 (giá trị 11.648 tỷ đồng) để tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhằm nâng cao năng lực tài chính và mở rộng tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục đề nghị giữ lại toàn bộ lợi nhuận giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn.

Bên cạnh đó, Vietcombank (VCB) cũng dự kiến đưa vấn phân phối lợi nhuận năm 2022 vào chương trình nghị sự tại Đại hội đồng cổ đông sắp diễn ra vào 26/4 tới. Theo kế hoạch đó, nhà băng lớn nhất hệ thống này sẽ có 21.680 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Việc gia cố nền tảng vốn của hệ thống ngân hàng là cần thiết trong bối cảnh nợ xấu cao và sức ép lớn về cung vốn cho nền kinh tế. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu trong năm 2024.

'Ông lớn' ngân hàng tăng vốn điều lệ lên gần 41.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 toàn ngành

Hai ngân hàng thương mại được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-nhap-cuoc-chay-dua-tang-von-dieu-le-225937.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng 'nhập cuộc' chạy đua tăng vốn khủng
    POWERED BY ONECMS & INTECH