Ngân hàng số TymeBank của tỷ phú Nam Phi lên kế hoạch tiến vào Việt Nam

24-05-2023 12:00|Thủy Tiên

TymeBank thuộc sở hữu của tỷ phú Nam Phi Patrice Motsepe dự kiến tiến vào Việt Nam sớm nhất là trong năm 2024.

Chỉ vài tháng sau khi huy động thành công gần 78 triệu USD từ vòng gọi vốn Pre-Series C, Tyme Group, một công ty cho vay kỹ thuật số thuộc sở hữu của tỷ phú Nam Phi Patrice Motsepe, đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam sớm nhất vào đầu năm 2024, theo Daily Investor.

Cân nhắc tiến vào thị trường Việt Nam

Trong một cuộc phỏng vấn, Coen Jonker, đồng sáng lập Tyme và giám đốc điều hành của TymeBank, khẳng định “Việt Nam là một trong những thị trường gần như lý tưởng cho một doanh nghiệp như chúng tôi”.

Theo ông Jonker, nền kinh tế trị giá 366 tỷ USD của Việt Nam còn non trẻ và đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Do đó, ông coi đây là một cơ hội để tập đoàn mở rộng thị trường cũng như phát triển hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, giám đốc Jonker cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang “thiếu sự phục vụ thường xuyên” từ các ngân hàng kỹ thuật số, với nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn hoặc khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế.

Việt Nam là quốc gia châu Á thứ hai mà Tập đoàn Tyme có trụ sở tại Singapore lên kế hoạch rót tiền để thúc đẩy sự phát triển của mình. Trước đó, vào năm 2022, Tyme đã ra mắt lần đầu tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines.

Về Tyme Group

Theo số liệu từ Forbes, tỷ phú người Nam Phi Patrice Motsepe hiện sở hữu khối tài sàn ròng có giá trị khoảng 2,4 tỷ USD (tính đến sáng 24/5), đồng thời là người giàu thứ 1.320 trên thế giới.

Quỹ đầu tư African Rainbow Capital của tỷ phú Patrice Motsepe nắm phần lớn sở hữu tại Tyme Group. Tập đoàn này hoạt động chủ yếu thông qua Tyme Bank ở Nam Phi, thu hút hơn 7 triệu khách hàng chỉ trong hơn bốn năm.

Tại Philippines, Tyme Group điều hành GoTyme Bank - một liên doanh với Tập đoàn Gokongwei của Philippines. Ông Jonker cho biết Tyme đang phát triển với tốc độ khoảng 300.000 khách hàng mới mỗi tháng trên cả hai thị trường.

Trong số gần 78 triệu USD vốn huy động được trong vòng cấp vốn Pre-Series C bắt đầu vào tháng 1, Tyme có kế hoạch sử dụng 65 triệu USD để mở rộng thị trường mới và tăng cường hoạt động của mình ở Nam Phi và Philippines. Ông Jonker tiết lộ phần còn lại sẽ được sử dụng để mua lại một trong những nhà đầu tư ban đầu của ngân hàng.

Tyme Group gần đây đã thu hút được hai nhà đầu tư mới tham gia vào vòng gọi vốn gần nhất của mình, bao gồm Norrsken22, một quỹ phát triển công nghệ tập trung vào châu Phi và Blue Earth Capital, một công ty đầu tư tác động toàn cầu độc lập.

Giám đốc điều hành Jonker cho biết Tyme Group có thể tìm kiếm thêm 40 triệu USD đến 80 triệu USD tại vòng cấp vốn Series C, dự kiến sẽ kết thúc vào quý 4/2023.

Theo ông Jonker, “Chúng tôi không lo lắng về việc liệu có thể huy động vốn với tư cách là một doanh nghiệp hay không, bởi vì có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Tyme. Vấn đề quan trọng hơn là chúng tôi sẽ huy động được bao nhiêu tiền”, ông Jonker chia sẻ.

Cơ hội và thách thức khi phát triển ngân hàng số ở Việt Nam

Ngân hàng số ở Việt Nam được dự đoán là một lĩnh vực đầy tiềm năng bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Việt Nam có hơn 99 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm gần 70%, đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển ngân hàng số bởi thế hệ trẻ có sự hiểu biết và nhanh nhạy về mặt công nghệ, đại diện cho các mẫu hình mua sắm khác nhau. Do đó, đây được coi là động lực thúc đẩy doanh thu cho lĩnh vực ngân hàng số.

Bên cạnh đó, một dấu hiệu tích cực nữa là Việt Nam nằm trong số những quốc gia có số lượng sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Theo Business Insider, trong năm 2022, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam đạt khoảng 62,8 triệu người, chiếm 96% lượng người dùng internet trên cả nước.

Xét ở khu vực Đông Nam Á, lượng người dùng smartphone ước tính tại Việt Nam tính tới hết năm 2023 chỉ kém mỗi Indonesia, quốc gia có dân số đông nhất khu vực. Đây là nền tảng cho hội nhập kinh tế số nói chung và phát triển ngân hàng số nói riêng.

Thứ hai, về thói quen sử dụng ngân hàng: Theo thống kê tính đến năm 2022, Việt Nam có gần 70% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Có tới 26% các giao dịch bằng tiền mặt trong khi tỷ lệ phổ cập Internet của người dân Việt Nam lên tới 66%. Điều này thể hiện vẫn còn nhiều “room” để dịch vụ ngân hàng số phát triển.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quan sử dụng tiền mặt, biến chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt tăng trưởng đột biến trong thời gian qua. Số liệu khảo năm vừa qua cho thấy 85% người dùng dịch vụ ngân hàng có xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng số nhiều hơn so với 18 tháng trước đó.

Thứ ba, định hướng và sự quyết tâm của các cơ quan quản lý. Thấy được tầm quan trọng của phát triển ngân hàng số, thời gian qua, Chính phủ, cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bước đầu thiết lập hạ tầng pháp lý cho việc triển khai ngân hàng số, chẳng hạn như: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP), …

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi trên, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đối diện với không ít thách thức. Chẳng hạn như khung pháp lý tạo cơ sở cho hoạt động ngân hàng số vẫn chưa hoàn thiện, chưa theo kịp so với tốc độ phát triển công nghệ.

Bên cạnh đó, các dịch vụ ngân hàng số hầu như phổ biến đối với người dân khu vực thành thị, đặc biệt đối với những người kinh doanh online. Còn ở khu vực nông thôn, người dân ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng, vì vậy thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

Cựu CEO Silicon Valley Bank thừa nhận sai sót, cáo buộc Fed và mạng xã hội góp phần vào sự sụp đổ ngân hàng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-so-tymebank-cua-ty-phu-nam-phi-len-ke-hoach-tien-vao-viet-nam-184544.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngân hàng số TymeBank của tỷ phú Nam Phi lên kế hoạch tiến vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH