Tuần qua, một số ngân hàng đã thực hiện tăng lãi suất huy động. Khá nhiều ý kiến đã bày tỏ quan ngại về những ảnh hưởng của chính sách này đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán biến động nghiêng về hướng tích cực trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Nhân Dần 2020 (từ 7 - 11/2/2022).
Kết tuần giao dịch, VN-Index tăng 22,75 điểm lên mức 1.501,71 điểm; HNX-Index tăng 10,16 điểm (2,44%) lên 426,89 điểm; UpCOM-Index tăng 2,85 điểm (2,6%) lên 112,54 điểm.
Theo quan sát, đây cũng là tuần khá tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính chung trong 5 ngày, có 19/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và 8 mã giảm giá. Cổ phiếu PGB tăng mạnh nhất với mức tăng 7%. Tiếp theo là VAB và ABB với mức tăng lần lượt là 6,8% và 6,7%.
Bên cạnh ba mã trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng giá đáng chú ý trong tuần phải kể đến như SHB (+4,9%), NAB (+4,5%), VBB (+4%), LPB (+3,6%), OCB (+3,4%),...
Trong khi đó, cổ phiếu EIB giảm mạnh nhất với mức điều chỉnh 4,4%. Một số mã vốn hóa lớn như VPB, CTG, BID, STB cũng trong sắc đỏ song mức giảm chỉ dao động từ 0,1 - 0,7%.
Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần 7 - 11/2
Tuần qua, khá nhiều ngân hàng đã thực hiện tăng lãi suất huy động. Trước lo ngại điều này có ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, dù tăng nhưng mặt bằng lãi suất hiện tại nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, có thể chưa có sự ảnh hưởng đáng kể tới thị trường chứng khoán nói riêng và các kênh đầu tư khác nói chung trong ngắn hạn.
Lãi suất huy động bất ngờ tăng cao
Tuy nhiên, nếu việc này tiếp tục xảy ra và là chủ trương trong việc điều hành chính sách tiền tệ, chắc chắn sự tác động tới dòng tiền trên thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều trong trung và dài hạn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS phân tích: "Năm 2022 nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hoàn toàn mở cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng dần được khôi phục và kết quả kinh doanh cũng sẽ khởi sắc - đồng nghĩa với việc dòng tiền sẽ quay lại kênh sản xuất kinh doanh thay vì đầu tư tài chính như trong năm qua. Đây sẽ là một trong những yếu tố hạn chế hoặc chi phối về mặt dòng tiền vốn là động lực chính lập nên những kỷ lục trong năm vừa qua.
Theo quan điểm của ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK VietinBank (CTS), trước sự nóng lên của thị trường chứng khoán và bất động sản trong 2 năm vừa qua, việc các ngân hàng tiến hành nâng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi từ dân cư là điều có thể dự báo.
Cũng cần lưu ý diễn biến này chỉ phổ biến xảy ra tại một số ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng trong khi tại các ngân hàng lớn, mức tăng lãi suất huy động là không nhiều và chỉ áp dụng cho khách hàng có số dư tiền gửi lớn, từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Đối với thị trường chứng khoán, khi lãi suất huy động vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước đại dịch, khả năng nhà đầu tư đồng loạt rút tiền khỏi thị trường là khá thấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cho rằng: "Nhiều nhà đầu tư vừa trải qua cú sốc giảm mạnh nên khi lãi suất tăng lên hẳn nhiên sẽ có nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, lượng tài khoản mới tháng 1 vẫn ở mức cao sẽ mang tới lượng tiền mới cho thị trường.
Tôi cho rằng thị trường sẽ tự điều tiết nhưng lãi suất tăng nhẹ này chưa tác động tới việc rút tiền ra".
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhấn mạnh: "Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ có thể sẽ không quá nhiều trong ngắn hạn do việc lãi suất không chỉ riêng ở Việt Nam mà đã tăng khắp nơi trên thế giới.
Theo CME dự báo, FED còn có khả năng tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay với xác suất 61% và lần đầu là vào tháng sau (tháng 3) với xác suất tới 100%. Vì thế, áp lực lãi suất tăng trên khắp thế giới cũng phần nào ảnh hưởng trong nước".
Cổ phiếu bất động sản 'đồng khởi', 3 mã tím trần
[LIVE] Thị trường 26/11: VN-Index tăng 10 điểm, nhiều nhóm ngành đồng loạt đi lên