Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 tăng khoảng 3% so với năm 2020, ước đạt 1,54 tỉ USD và dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục khởi sắc.
Năm 2021, dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu cá tra không thuận lợi. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến và sản xuất cá tra phải tăng thêm chi phí vì sản xuất "3 tại chỗ", người nuôi không có lợi nhuận vì giá cá tra nguyên liệu thấp.
Cá tồn đọng, người nuôi thua lỗ
Bán 100 tấn cá tra với giá 21.000 đồng/kg từ 8 tháng trước - lỗ hơn 300 triệu đồng, ông Nguyễn Tấn Phong - Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang - cho biết khi thu hoạch xong, ông không thả nuôi cá tra nữa mà chuyển sang cá chép, cá mè… để bán trong nước.
Ông Phong giải thích: Cả năm 2021, giá cá tra nguyên liệu chỉ từ 21.000-22.000 đồng/kg. Với giá này thì các xã viên HTX chỉ có lỗ. Trong khi giá thức ăn tăng lên 12.500 đồng/kg, thêm chi phí về cá giống, công chăm sóc… thì giá thành sản xuất 1 kg cá tra thấp nhất phải là 24.000 đồng/kg. Do thua lỗ, nhiều hộ không thả nuôi cá tra nữa nên nhiều khả năng năm 2022 sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, cho biết năm 2021, các hộ nuôi cá tra 684 ha và thu hoạch 544 ha, sản lượng 175.420 tấn (bằng 93% năm trước). Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021, các cơ sở nuôi cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu và chế biến luôn đủ hoặc dư. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9/2021, thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến cũng như thu mua bị hạn chế nên tình hình tiêu thụ cá tra bị gián đoạn.
Theo ông Yên, đôi lúc thương lái tạm ngưng thu mua gần 2 tháng liên tục hoặc mua với số lượng rất ít nên một số hộ nuôi rất dè dặt thực hiện việc thả giống cho vụ mới. Do đó, thời gian nuôi tiếp tục kéo dài và gián tiếp làm tăng chi phí sản xuất. Đến đầu tháng 10/2021, các nhà máy chế biến thủy sản đã hoạt động tương đối ổn định trở lại giúp sản lượng cá tra tồn đọng được giải quyết toàn bộ.
Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh có 1.180 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Trong năm 2021, những cơ sở này sản xuất khoảng 19.000 triệu con cá tra bột, giảm 18,4% so với năm 2020 và 1.100 triệu con cá tra giống, giảm 18,2% so với năm trước.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và thu hoạch thủy sản, làm chuỗi cung ứng cho sản xuất, chế biến cá tra bị đứt gãy một thời gian dài. Cá bị tồn đọng dưới ao do không thu hoạch được, trong khi một số doanh nghiệp doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho thấy diện tích nuôi thả cá tra tại ĐBSCL trong các tháng 7, 8, 9/2021 giảm khoảng 30%-55% so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, trong các tháng 1, 2 và 3/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra để chế biến, xuất khẩu.
Nhiều mục tiêu mới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do dịch COVID-19 nên doanh nghiệp phải sản xuất "3 tại chỗ", từ đó gia tăng chi phí. Bên cạnh đó, chi phí logistics cũng tăng cao, thiếu container rỗng để giao hàng đúng hợp đồng và đúng thời hạn…
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng VASEP cho biết kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2021 ước đạt 1,54 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ cá tra tại một số thị trường lớn bắt đầu hồi phục. Tính đến cuối năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm 28% tỉ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong quý III và IV/2021, Mỹ cũng tăng lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam với mức gần 50%, bù đắp cho một số thị trường khác có sự sụt giảm đáng kể.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết đã đặt nhiều mục tiêu trong năm 2022 để phục hồi, phát triển ngành cá tra. Theo đó, diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh đạt 2.150 ha, tăng 8,1% so với năm 2021, sản lượng dự kiến 480.000 tấn, tăng 4%…
Để đạt các mục tiêu này, Đồng Tháp sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành cá tra, trong đó tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết vùng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất; hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sản phẩm giá trị gia tăng. Đồng Tháp cũng triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao trên địa bàn nhằm cung cấp nguồn con giống chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung vùng quy hoạch nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn.
Ngoài ra, Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển giao khoa học công nghệ mới như: sử dụng chế phẩm sinh học, cho ăn tự động vào quá trình nuôi, thu hoạch, vận chuyển để nâng cao tỉ lệ sống, chất lượng an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh... để giúp ngành cá tra trỗi dậy trong năm 2022.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, trên cơ sở phục hồi và phát triển thủy sản, sản lượng cá tra năm 2022 phấn đấu đạt gần 430.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm 2021. Ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản thành lập chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cá tra.
"Theo đó, các công đoạn đều phải được đào tạo, huấn luyện; chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các vùng nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật mới để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ cá tra giữa doanh nghiệp và hộ nuôi, bảo đảm người nuôi có thể sản xuất và tiêu thụ ổn định" - một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang giải thích.
Đẩy mạnh liên kết
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở tỉnh này có thể xây dựng nhà máy ở tỉnh khác. Do vậy, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng các địa phương cần tăng cường liên kết vùng để phát triển ngành cá tra, tạo điều kiện để các nhà máy thu mua, vận chuyển liên kết với nhau.
Các địa phương cần nhìn về một hướng, cùng liên kết từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Các doanh nghiệp cùng đồng thuận là việc rất quan trọng để góp phần giúp ngành cá tra phục hồi và trỗi dậy"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan