Ngành hàng rau quả Việt sẵn sàng với mục tiêu lớn hơn
Trước tín hiệu tích cực từ con số 3,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023, tăng 68,8% so với cùng kỳ. Việt Nam hoàn toàn có thể đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho ngành hàng rau quả trong thời gian tới.
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, xuất khẩu toàn ngành rau quả chịu ảnh hưởng nặng bởi chính sách Zero-Covid để phòng chống dịch của Trung Quốc, chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường. Trong 2 quý cuối năm, sẽ có khoảng gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả có thể cán đích sớm 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ngày càng thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
Trước những tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành, cụ thể được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm vừa qua, có thể thấy rằng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 sẽ sớm hoàn thành trong năm nay theo ý kiến của nhiều chuyên gia.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới hiện nay đều tăng. Trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP). Mỹ và Liên minh châu Âu được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng bơ nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu...
“Kỳ vọng xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục mới là hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ nhiều yếu tố: Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay; Sản xuất, diện tích cây ăn quả lâu năm năm 2021 đã đạt trên 645.000 ha, tăng trên 24,2%, hay tăng 126.000 ha so với năm 2015. Trong đó, những cây trồng có diện tích khá lớn và tăng khá cao gồm xoài đạt 113.900 ha, tăng 36,1%, hay tăng 30.200 ha; cam quýt đạt 111.800 ha, cao gấp hơn 2 lần, hay tăng trên 56.000 ha…”, ông Nguyên nhận định.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt ra cho thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam những kỳ vọng lớn hơn trong thời gian tới, góp phần thiết lập những kỉ lục mới đóng góp mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế nước nhà.