Ngành học lên ngôi khi con người ngày càng nhiều "góc khuất", mức lương có thể gấp đôi IT

17-11-2022 12:04|Xuân Quỳnh

Ngành học này được mệnh danh là đào tạo ra những “bác sĩ cho tâm hồn”, giúp mọi người đối diện và cởi bỏ những vấn đề tâm lí trong xã hội hiện đại.

Với tốc độ phát triển của xã hội hiện đại, tỷ lệ người bị mắc các bệnh về tâm lí như stress, căng thẳng, rối loạn lo âu,... ngày càng gia tăng. Con người thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề rối loạn tâm lí và nguy cơ trầm cảm. Thậm chí có những người không thể vượt qua và đã chọn cách tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trong vài năm trở lại đây, nhận định của xã hội đối với vai trò của các chuyên gia tâm lí đã sâu sắc và cởi mở hơn. Năm 2020, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng người Việt đang dần có cái nhìn đúng mực hơn về tâm lí học.

Vì vậy, khi đối diện với các vấn đề về tâm lí, nhiều người đã ý thức được việc tìm đến sự giúp đỡ của những “bác sĩ cảm xúc” hơn là tự giải quyết hoặc nhận tư vấn từ bạn bè, người thân. Cộng thêm sự khan hiếm các trường đào tạo đã lý giải cho việc tâm lí học trở thành ngành hot và “cầu vượt cung” trong thời gian gần đây.

Ngành học đào tạo nên những người “đắc nhân tâm”

Tâm lí học là ngành khoa học nghiên cứu tinh thần, hành vi, tư tưởng con người. Cụ thể hơn là nghiên cứu việc xử lý thông tin cũng như biểu hiện hành vi của con người. Nếu chịu đi sâu vào lĩnh vực này chúng ta sẽ thấy tâm lí học có tính ứng dụng đa dạng như: Tâm lí học gia đình, Tâm lí học học đường, Tâm lí học thể thao, Tâm lí học nghệ thuật,...

Trong quá trình học tập và làm việc trong lĩnh vực tâm lí, người học sẽ dần được tôi luyện những phẩm chất như:

Khả năng lắng nghe và thấu hiểu

Bác sĩ tâm lí luôn biết cách đặt mình vào vị trí của những người xung quanh để có những góc nhìn khách quan về sự việc, từ đó biết lắng nghe và cảm thông trước câu chuyện của người đối diện. Phiến diện, bảo thủ hoặc thiếu khả năng thấu hiểu là những tính cách không có của một chuyên gia trong ngành này.

Khả năng giao tiếp hiệu quả

Một trong những mục tiêu cơ bản của ngành tâm lí là kiểm soát và thay đổi hành vi, giúp con người có đời sống tinh thần tốt hơn. Một người làm việc trong ngành tâm lí biết cách giao tiếp thông minh, đồng thời có khả năng diễn đạt thông suốt với những lý lẽ thuyết phục người nghe.

Sự kiên trì và khả năng chịu áp lực

Trọng trách của một nhà tâm lí chính là giúp đỡ người đối diện tìm ra phương hướng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Công việc này thường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám. Do đó, mọi bác sĩ tâm lí đều có lòng kiên trì, quyết tâm và không ngại đối diện với áp lực.

Cuối cùng, sinh viên của ngành tâm lí còn được mài giũa tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, khả năng đo lường và phân tích dữ liệu, cùng năng lực giải quyết vấn đề, trở thành một con người vừa giỏi về tư duy logic, vừa giỏi về tư duy tình cảm.

Thu nhập lí tưởng, cơ hội việc làm triển vọng

Tâm lí học nghe qua có vẻ rất thú vị và mới nhưng đa phần thí sinh cũng như phụ huynh thường đắn đo và chọn cách bỏ qua ngành học này vì thiếu thông tin về cách giảng dạy và lo sợ về khả năng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các "bác sĩ cảm xúc" dường như có rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp của bản thân do tâm lí con người ngày càng "bất ổn". 

Mức điểm chuẩn vào ngành học này tại các trường đại học cũng liên tục tăng lên. Năm 2022, điểm chuẩn cao nhất của ngành tâm lí học lên tới 29 điểm tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho thấy sức hút và triển vọng của ngành học.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành tâm lí học trong thời gian tới sẽ tăng cao, đặc biệt là trong các cơ quan giáo dục, y tế, thể thao, doanh nghiệp… Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của ngành này là hơn 1.000 người.

Nhìn chung, mức thu nhập ngành tâm lí hiện nay vẫn luôn được đánh giá là hấp dẫn, đặc biệt với các chuyên ngành như bác sĩ tâm thần, tâm lí học pháp y, tâm lí học lâm sàng, tâm lí học kỹ thuật. Tại Mỹ, bác sĩ tâm lí có trên 2 năm hành nghề tại các bệnh viện lớn có mức lương tuyển dụng trung bình khoảng 197.000 USD/năm. Với những cơ sở ngoại trú, mức lương có thể lên đến 223.000 USD, tức cao gấp đôi một kĩ sư lập trình máy tính.

Còn tại Việt Nam, đối với một bác sĩ tâm thần, mức lương có thể lên tới 15 triệu đồng mỗi tháng, đồng nghĩa thu nhập hàng năm cũng lên tới hàng trăm triệu đồng. Với các vị trí công việc đặc thù hơn như nhà tâm lí học giáo dục hay nhà tâm lí học cố vấn, thu nhập trung bình năm có thể lên tới hàng tỉ đồng.

Sinh viên học ngành này sẽ được ưu tiên về cơ hội thực tập và ứng dụng những kiến thức đã được học để phục vụ cho lợi ích của xã hội. Trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để được thực tế tại nhiều môi trường như học đường, các cơ sở y tế, được giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tốt nghiệp ngành tâm lí học, sinh viên có nhiều lựa chọn như có thể tiếp tục học lên để đủ điều kiện hành nghề tham vấn, lâm sàng hoặc có thể đầu quân cho các doanh nghiệp ở các bộ phận khác nhau.

Nếu không muốn làm việc trong môi trường nhà nước, ứng viên có thể tìm kiếm và xin vào các công ty tư nhân hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài với công việc như chuyên viên phụ trách các bộ phận như quảng cáo – marketing, nhân sự, quan hệ hay chăm sóc khách hàng,…

Bài thuộc chủ đề Dược phẩm, Y tế
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành học lên ngôi khi con người ngày càng nhiều "góc khuất", mức lương có thể gấp đôi IT
    POWERED BY ONECMS & INTECH