Kết phiên 21/5, cổ phiếu HSG điều chỉnh 0,7% về mức 21.800 đồng/cp. Một tháng gần nhất, cổ phiếu "vua tôn" tăng 15%.
Những tín hiệu giao dịch của dòng tiền lớn đã xuất hiện trở lại ở cổ phiếu Hoa Sen (HSG) sau một tháng vắng bóng giúp cổ phiếu duy trì vị thế trên các đường MA50-200.
Động thái phục hồi của cổ phiếu HSG nằm trong diễn biến chung của thị trường chứng khoán sau cú rơi 100 điểm hồi nửa cuối tháng 4.
Với Hoa Sen nói riêng, thời gian qua, doanh nghiệp đón nhận nhiều thông tin tích cực trong đó cả giá bán lẫn sản lượng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Kết thúc quý II niên độ tài chính 2024 (từ 1/1-31/3), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 9.248 tỷ đồng - tăng 32,5% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 422 tỷ đồng- cải thiện mạnh so với mức lỗ 424 tỷ YoY.
Sản lượng tiêu thụ trong quý tăng 51% YoY, so với cùng kỳ niên độ trước trong đó tiêu thụ nội địa tăng 8% (đạt gần 180.000 tấn) nhờ phục hồi từ mức nền thấp của cùng kỳ niên độ trước; Sản lượng xuất khẩu đã tăng tới 109% (đạt hơn 266.300 tấn) nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngách tại ASEAN.
Nếu so với quý I niên độ tài chính 2024, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen đã tăng tới 309% - chủ yếu nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp khi công ty đã tích trữ được lượng thép cuộn cán nóng (HRC) giá rẻ. Mặt khác, giá bán cũng tăng thêm 3%, nhất là kênh xuất khẩu.
Kết quả kinh doanh quý III tới đây của Hoa Sen được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì khả quan trong đó sản lượng thép tiêu thụ dự báo tiếp tục tăng thêm 10-12% khi nhu cầu nội địa dần hồi phục.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, thị trường thép trong nước trong tháng 4 vừa qua ghi nhận “hiện tượng lạ” khi các đại lý tích luỹ hàng trái vụ bất chấp quy luật quý II hàng năm thường được xem là mùa xả hàng do mùa mưa đến khiến các hoạt động xây dựng diễn ra chậm.
BSC Equity Research ước tính, sản lượng thép nội địa khu vực miền Bắc trong tháng 4/2024 đã tăng tới 30 - 35% so với tháng 3/2024 và tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2021 - thời điểm trước khi thị trường bất động sản “đóng băng”.
Bên cạnh đó, do ngành thép Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, nên, giá thép nội địa thường biến động tương đương hoặc mạnh hơn giá thép thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, biên độ giảm giá thép tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4/2024 tương đối hẹp, chỉ khoảng 2% và vẫn giữ ở mức cao hơn vùng đáy (hay còn được xem là vùng giá cân bằng) của tháng 10/2023 và tháng 11/2022.
Đồng thời, các đợt giảm giá vừa qua diễn ra tương đối nhỏ lẻ, chỉ giảm từ 100-200 đồng/kg/lần giảm. Loạt yếu tố này cho thấy sức mua của các đại lý đang dần quay trở lại. Với lợi thế đang sở hữu thị phần lớn nhất trên thị trường tôn mạ nội địa (từ 20-30% thị phần), Tập đoàn Hoa Sen sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ sự hồi phục trên.
Theo đánh giá của BSC Equity Research, vùng giá HRC từ 530-560 USD/tấn là vùng cân bằng về cung - cầu, và giá thép khó có thể giảm quá sâu khỏi vùng này. Với các diễn biến thị trường hiện nay, giá thép được dự báo sẽ xác lập xu hướng đi lên trong nửa cuối năm nay.
Theo đó, kết quả kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Hoa Sen dự báo sẽ hồi phục dần về mức bình thường 1.400-1.500 tỷ đồng/năm kể từ năm sau.
>> CTCK ‘chấm điểm’ 1 cổ phiếu ngành thép tiềm năng tăng giá 38%, lợi nhuận được kỳ vọng gấp 33 lần