Thời điểm này ngành vận tải hành khách đã đi lại dịp Tết đã rất sôi động, giá vé rẻ nhưng sân ga và bến xe đều vắng khách.
Trước đó, Bộ GTVT có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan của bộ, Sở GTVT các địa phương lên phương án vận tải hành khách dịp Tết sắp tới, đảm bảo mọi người đều được về quê đón Tết.
Đường sắt vắng vẻ
Sau gần 1 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ga Sài Gòn hay Hà Nội đều chung cảnh vắng vẻ. Tại ga Hà Nội, mỗi ngày chỉ có vài khách tới mua vé trực tiếp.
Tuyến Hà Nội - Hải Phòng hàng ngày chạy 1 đôi tàu khách, còn các tuyến và các tàu khu đoạn khác đều không chạy tàu khách.
Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành Đường sắt đã dự đoán trước nhu cầu đi lại của người dân chắc chắn không bằng các Tết trước do dịch.
Vì vậy, ngành Đường sắt vẫn giữ giá vé như Tết năm ngoái, đồng thời áp dụng nhiều chính sách giảm giá để thu hút khách đi tàu, như giảm giá vé cá nhân mua vé sớm xa ngày đi tàu đến 40%, giảm giá vé tàu tập thể từ 2 - 13%, giảm giá vé tàu khứ hồi...
Riêng với hình thức bán vé tàu nguyên khoang, nguyên toa sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/2/2022, hành khách mua vé không cần giới hạn cự ly từ 300km trở lên vẫn được giảm giá từ 10 - 15%, được phục vụ suất ăn miễn phí.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách yên tâm đi tàu trong mùa dịch, từ ngày 15/11, ngành đường sắt đã chính thức mở bán vé, cung cấp dịch vụ nguyên khoang (khoang 4 giường và khoang 6 giường), nguyên toa tới khách hàng. Đây là sản phẩm mới áp dụng trong mua dịch đã nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía hành khách.
Cũng theo đại diện VNR, nhận thấy nhu cầu của hành khách muốn có không gian riêng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất khi đi tàu cùng gia đình, người thân hoặc theo nhóm là rất lớn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, ngành đường sắt sẽ tiếp tục duy trì việc bán vé nguyên khoang, nguyên toa đến hết ngày 28/2/2022. Những hành khách mua vé đi chặng ngắn (dưới 300km) vẫn có thể mua vé nguyên khoang, nguyên toa để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Đặc biệt, những hành khách có vé đi nguyên khoang, nguyên toa nếu có nhu cầu đưa, đón tại nhà, ngành đường sắt sẽ phục vụ theo nhu cầu; được cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu…
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dự báo Tết này khách rất ít, khi khách đi tàu chủ yếu công nhân, người lao động và sinh viên. Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, rất nhiều người đã rời phố về quê, sinh viên các trường vẫn ở quê học trực tuyến. Trước mắt đường sắt mới bán vé 4 đôi tàu Bắc - Nam và 1 đôi tàu tuyến TPHCM - Đà Nẵng, còn lại vẫn dừng hoạt động, nếu vé bán tốt mới chạy thêm tàu.
Tổng số vé tàu bán ra cho cả dịp Tết Nhâm Dần khoảng 36.000 chỗ, chỉ bằng 1/3 của Tết Tân Sửu năm 2021. Tới hết ngày 8/12, đường sắt mới bán được gần 5.500 vé tàu Thống Nhất và hơn 1.000 vé tàu đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng, tổng tiền vé trên 7,7 tỷ đồng (bằng 10% số vé bán ra cùng kỳ Tết trước). Năm nay, lần thứ 2 trong lịch sử đường sắt áp dụng khuyến mại vé tàu Tết.
Hàng không thưa vắng
Sau khi được tăng chuyến từ ngày 1/12, các hãng đã mở bán vé cho cả giai đoạn Tết Nguyên đán tới, nhưng số vé bán chậm, dù số lượng chuyến bay chưa nhiều. Ngày 10/12, khảo sát trên trang bán vé các hãng cho thấy, dịp Tết tới, “đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM mỗi hãng chỉ khai thác tối đa 6 chuyến bay/ngày, nhưng vé còn nhiều với giá rẻ.
Cụ thể, những ngày đầu nghỉ Tết (từ 29-31/1/2022), Vietjet còn vé giá từ 600 nghìn đồng (gồm cả thuế, phí) cho chiều Hà Nội đi TPHCM, chiều ngược lại giá vé từ 1,8 triệu đồng. Cùng thời gian, Vietnam Airlines cũng còn nhiều vé giá từ 3,2 triệu đồng cho chiều từ Hà Nội đi TPHCM, và 2,1 triệu đồng cho chiều TPHCM đi Hà Nội, khách có thể chọn bay thẳng hoặc bay nối chuyến qua 1 sân bay nội địa khác; Bamboo Airways cũng có nhiều vé với giá từ gần 800 nghìn đồng cho chiều Hà Nội đi TPHCM, chiều ngược lại có giá từ 2,7 triệu đồng...
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, hoạt động bay nội địa đang theo lộ trình tăng tần suất tiến tới mở lại bình thường. Với số chuyến bay đã được phép, các hãng được bán vé cho giai đoạn bay tới tháng 4/2022, gồm cả dịp Tết. Theo ông Thắng, nếu nhu cầu khách đi lại Tết tăng cao, cục có thể kiến nghị Bộ GTVT cho tăng chuyến bay. Tuy nhiên, lo nhất không có khách và việc các địa phương hạn chế người về. Thực tế số chuyến bay đã được mở bán số lượng vé bán cũng rất chậm.
Xe khách: Ngóng khách
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, hiện các tuyến xe khách kết nối với Hà Nội được phép hoạt động tối đa 50% phương tiện so với bình thường. Thực tế những ngày qua chỉ khoảng 10-15% xe hoạt động, có tuyến không có xe do vắng có khách. Nếu dịp Tết khách có tăng đột biến lên 30-40% so với hiện nay cũng chỉ đầy số xe đang được hoạt động, chưa cần bổ sung hay tăng cường thêm xe.
Tại Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), với đa số xe chạy tuyến đi/đến Nghệ An, Hà Tĩnh, đơn vị đang xây dựng kế hoạch khai thác Tết. Hiện, bến chỉ có khoảng 1/4 đầu xe hoạt động so với số được phép. Xe rời bến chỉ vài khách, nên chủ yếu nhận chở hàng. “Tết không lo thiếu xe, chỉ lo không có khách”, lãnh đạo bến xe cho hay.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cả nhà xe và khách đều trong trạng thái chờ phương án phòng chống dịch của các địa phương, đặc biệt yêu cầu cách ly với người về.
Tin từ Bộ GTVT cho hay, cơ quan này vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng góp ý về Chỉ thị một số giải pháp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để người dân không được về quê đón Tết do không có tàu, xe.
Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.