Nghìn tỷ bị bão cuốn bay, bảo hiểm nông nghiệp ở đâu?
Hơn 2.500 tỷ đồng là thiệt hại ước tính đối với 23.595ha nuôi trồng thủy sản do bão số 3. 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết... Các chủ nuôi thiệt hại nhiều nghìn tỷ nhưng hầu hết không có bảo hiểm.
'Mất bò' mới nghĩ đến bảo hiểm
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi sức tàn phá của cơn bão số 3 (Yagi).
Báo cáo của các tỉnh phía bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 23.595ha; số lồng bè bị hư hại, cuốn trôi khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại ban đầu về nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay, thiệt hại về kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lên đến 24.200 tỷ đồng, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản; nhiều khách hàng của các tổ chức tín dụng không còn khả năng trả nợ, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, cây trồng bị gãy, đổ hoàn toàn),...
Theo thống kê sơ bộ của Bộ NN-PTNT, đến cuối ngày 18/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết, trong đó 5 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội và Thái Nguyên.
Tại Hải Phòng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung thông tin, Hải Phòng có 13.181 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ là 27.097 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng dư nợ. Trong đó, lĩnh vực nông lâm thuỷ sản bị ảnh hưởng là 12.200 khách hàng với dư nợ là 1.563 tỷ đồng.
“Con số thiệt hại này đe dọa ảnh hưởng đến nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn thành phố trong năm nay. Hiện tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn Hải Phòng là 5%”, bà Dung cho hay.
Tại Lào Cai, ông Đỗ Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, cho biết, diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây ăn trái, cây trồng dược liệu trên toàn tỉnh bị thiệt hại lên đến 6.160ha. Trong đó có 45.000 cây chuối, 400.000 cây quế, 353ha thuỷ sản, 3.050 tấn cá thương phẩm, trên 123.000 con cá giống bị chết; hơn 43.000 con gia súc, gia cầm bị chết với trên 1.000 chuồng trại.
Trước những thiệt hại to lớn cho ngành nông nghiệp, một lần nữa câu chuyện bảo hiểm nông nghiệp lại được nhắc đến.
Là người có hơn 10 năm lăn lộn trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Đạt (Hải Dương) kể rằng, toàn bộ 2ha hoa màu và 4ha cây ăn trái anh tâm huyết đầu tư tại huyện Chí Linh và Kinh Môn đã bị mất trắng, tổng thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. “Chẳng ai có thể ngờ lại có ngày bị bão quét sạch như thế này”, anh Đạt buồn bã.
Hầu hết số vốn đầu tư được anh Đạt vay từ ngân hàng. Khi được hỏi về bảo hiểm nông nghiệp, anh cho hay chưa từng nghĩ đến và cũng chưa từng nghe ai nói.
Trên thực tế, do không thực sự hấp dẫn nên hiện nay, có rất ít doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, cho biết, Chính phủ đã giao cho 4-5 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai loại hình bảo hiểm này.
Trong đó, Bảo hiểm Ngân hàng Agribank (ABIC), Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Bảo Minh là những doanh nghiệp từng được chọn thí điểm triển khai.
Ngay cả ABIC, doanh nghiệp có 95% khách hàng là nông dân, nhưng ước tính mức độ bồi thường của ABIC sau bão số 3 chỉ là 150 tỷ đồng. Con số này phần nào phản ánh mức độ tham gia bảo hiểm nông nghiệp của nông dân.
“Nhà nước thực sự khuyến khích triển khai bảo hiểm nông nghiệp vì liên quan đến cây trồng, vật nuôi, bởi bà con nông dân đầu tư rất nhiều tiền vào đó. Vấn đề ở chỗ người dân chưa quan tâm đến bảo hiểm nông nghiệp, chỉ đến khi xảy ra thiên tai khiến nhiều người rơi vào thảm cảnh phá sản họ mới nghĩ đến bảo hiểm”, ông Dũng nói.
Vì sao bảo hiểm nông nghiệp bị "quay lưng"?
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với người nông dân, một hộ gia đình canh tác 2-3 mẫu lúa đã là nhiều, nhưng với các chủ trang trại họ có thể canh tác hàng chục mẫu. Tương tự, một lồng cá quy mô lớn, chi phí đầu tư lên tới cả chục tỷ đồng, nếu thiệt hại do thiên tai hoặc dịch bệnh, chủ đầu tư sẽ trắng tay.
Nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo hiểm đã nhiều năm, PGS-TS. Nguyễn Văn Định cho hay, Việt Nam từng hai lần thí điểm mô hình bảo hiểm nông nghiệp.
Gần đây nhất là năm 2013, khi Chính phủ ban hành Nghị định 100 về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh, thành phố. Đối tượng được bảo hiểm là cây lúa, vật nuôi, gia súc, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản,...
Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Đến nay, cả doanh nghiệp và người dân vẫn không mặn mà với sản phẩm này.
Ông Định đã chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là công tác tuyên truyền còn hạn chế; bản thân các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp do phí bảo hiểm thu được rất thấp, trong khi tái bảo hiểm lại khó.
“Nghiệp vụ tái bảo hiểm của các doanh nghiệp thường được thực hiện ra nước ngoài, trong khi khâu đánh giá quản lý rủi ro lại thiếu chính xác dẫn đến phía nước ngoài không tin tưởng. Hơn nữa, quy mô sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn nhỏ lẻ, thiết kế sản phẩm của các doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn với người làm nông nghiệp”, PGS-TS. Nguyễn Văn Định nói.
Ngoài ra, ông Định cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với bảo hiểm nông nghiệp là rủi ro đạo đức nên rất khó triển khai.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Ngô Trung Dũng thừa nhận, cái khó của doanh nghiệp chính là quản lý rủi ro. Doanh nghiệp không thể đong đếm số lượng tôm, cá dưới đầm nên khách hàng khai bao nhiêu biết bấy nhiêu.
Nhắc lại câu chuyện bảo hiểm tàu cá, ông Ngô Trung Dũng phân tích, Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân vươn xa bám biển, ngân hàng cho vay vốn để mua tàu, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cung cấp gói bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Thế nhưng, cũng đã có trường hợp ngư dân trục lợi bảo hiểm bằng cách hoán đổi máy móc của tàu rồi đánh đắm tàu, sau đó yêu cầu bảo hiểm bồi thường.
Một con tàu đánh cá giá vài tỷ đồng, trong đó giá trị máy móc chiếm đến 2/3. Việc thay thế bằng máy hỏng, máy cũ chỉ ngư dân biết với nhau vì ở ngoài khơi xa, không doanh nghiệp nào có thể giám sát được.
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Định, bảo hiểm nông nghiệp nói riêng và bảo hiểm nói chung đem lại sự yên tâm cho người dân. Vị chuyên gia nhắc lại cuốn giáo trình về bộ môn bảo hiểm của Đại học Saint Mary’s (Canada) từng được ông dịch để phục vụ công việc giảng dạy, trong đó có câu: “Bảo hiểm giống như một cái tay vịn của cầu thang. Nếu đi cầu thang có tay vịn sẽ yên tâm hơn”.
Ông lấy dẫn chứng về mảng bảo hiểm y tế, người dân chỉ đóng phí vài trăm nghìn mỗi năm, nhưng nếu chẳng may ốm đau phải vào bệnh viện điều trị mới thấy được tác dụng của nó.
Bất ngờ với số tiền bồi thường của các công ty bảo hiểm trong 8 tháng năm 2024
Hàng nghìn trường hợp người lao động sử dụng giấy tờ giả để trục lợi bảo hiểm xã hội