Ngôi chùa cổ nằm trên pháp trường phong kiến, từng là nơi mai táng hàng nghìn liệt sĩ ngay giữa lòng đô thị lớn nhất Việt Nam

16-03-2024 16:37|Quỳnh Như

Bất chấp làn sóng đô thị hóa, chùa vẫn giữ được khoảng không gian xanh hấp dẫn với khu vườn rộng tràn ngập cây cối phía trước chính điện.

Nằm ở góc phố Kim Mã – Giang Văn Minh (quận Ba Đình, Hà Nội), chùa Kim Sơn hay còn có tên là chùa Kim Mã, chùa Tàu Mã, đàn Vạn Linh. Đây vừa là một công trình kiến trúc Phật giáo tuyệt đẹp, vừa là di tích lịch sử quan trọng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Chùa Kim Sơn tọa lạc ở số 73 phố Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ảnh: Hà Nội Mới

Chùa Kim Sơn tọa lạc ở số 73 phố Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ảnh: Hà Nội Mới

Theo ghi chép, hình thành từ thời Lý xa xưa, trại Kim Mã thuộc về vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Về sau, trên đất trại này có một pháp trường liền với nghĩa địa. Để siêu độ cho vong hồn các tội nhân bị hành quyết, người dân đã dựng am Vạn Linh bằng tranh. Đây chính là tiền thân của chùa Kim Sơn.

Cuối thời Lê - Trịnh, đây là nơi an táng binh lính Tây Sơn tử trận trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 - khi hoàng đế Quang Trung đại thắng quân Thanh. Lúc này, am được trùng tu và được gọi là đàn Vạn Linh. Năm 1881, nơi này được sửa sang, trở thành chùa Tàu Mã. Đến năm 1898, chùa đổi tên chữ thành Kim Sơn tự. Năm 1932, chùa Kim Sơn được xây lại và trở thành một ngôi chùa có quy mô bề thế, không gian rất đẹp với hồ nước, bình phong, cổng gỗ, sân gạch, các tòa nhà được xây theo lối truyền thống với khung gỗ chạm trổ tinh xảo, mái lợp ngói ta.

Đây từng là nơi chôn cất hàng nghìn liệt sĩ Tây Sơn

Đây từng là nơi chôn cất hàng nghìn liệt sĩ Tây Sơn

Thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội, do cần quy hoạch lại thành phố nên năm 1952, các hài cốt trong nghĩa địa Kim Mã phải chuyển lên nghĩa trang Yên Kỳ (Sơn Tây). Năm 1953, chùa Kim Sơn cho xây dựng cổng Ngũ Môn Quan, trên có đặt một pho tượng Phật và treo một quả chuông đồng khá lớn. Mặt trước và sau Ngũ Môn đều có câu đối viết bằng chữ Quốc ngữ.

Ngày nay, chùa Kim Sơn có kết cấu kiểu “nội công ngoại quốc” với phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Khách vào chùa theo Ngũ Môn Quan rộng 50m; qua cửa là con đường dẫn vào chính điện, đi qua hai nhà tả - hữu mạc nằm ở hai bên một khu vườn; giữa vườn có pho tượng Bồ Tát đứng trên hồ bán nguyệt; phía sau là bức bình phong, hai bên có các tháp mộ cổ.

Đứng giữa vườn chùa tĩnh lặng, khó có thể hình dung nơi đây xưa kia là pháp trường. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Đứng giữa vườn chùa tĩnh lặng, khó có thể hình dung nơi đây xưa kia là pháp trường. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Đi qua một sân rộng là chính điện, gồm 3 nếp nhà ba gian. Nếp nhà chính giữa được xây cao hơn và hơi nhô về phía trước là tòa Tam Bảo với hai cửa ngách thông sang đàn Vạn Linh và đền thờ Mẫu. Bên trong Tam Bảo hiện còn hệ thống hoành phi, câu đối và bia đá cùng bức đại tự đề 4 chữ “Kim Sơn Cổ Sát”, 21 pho tượng Phật, bên trên là 4 cửa võng chạm trổ cầu kỳ. Chính điện có pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối đúc liền được coi là tuyệt tác nghệ thuật Phật giáo, cao 77cm, nặng 30kg.

Dù đã được trùng tu trong những năm gần đây, chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc có từ gần 100 năm trước

Dù đã được trùng tu trong những năm gần đây, chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc có từ gần 100 năm trước

Đàn Vạn Linh nằm bên phải tòa Tam Bảo, hậu cung bài trí hệ thống tượng Phật được đưa về từ chùa Linh Sơn (phố Nguyễn Trường Tộ) từng bị bom Mỹ đánh sập năm 1967. Gian ngoài cùng bày hương án thờ Phật và 2 hương án thờ Vạn Linh, phía dưới là tượng đàn voi Tây Sơn. Bên trái tòa Tam Bảo là đền thờ Mẫu, bên trong hậu cung đặt khám thờ cùng 3 pho tượng Thánh mẫu Liễu Hạnh, Bà chúa Thượng Ngàn và Thủy Tinh công chúa.

Chùa hiện lưu giữ nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Chùa hiện lưu giữ nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Đến năm 2011, nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ quân Tây Sơn được xây dựng cạnh đàn Vạn Linh mé bên trái sân chùa, lưng dựa vào bức tường dài dọc phố Kim Mã. Bia và chân bia do các nghệ nhân tỉnh Bình Định thực hiện trên một phiến đá đỏ liền khối lấy từ núi non của huyện Tây Sơn.

Hằng năm, vào ngày giỗ trận Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng), các sư trụ trì chùa Kim Sơn lại lập đàn chay cúng tế vong linh binh lính Tây Sơn và các liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước. Năm 1985, chùa Kim Sơn được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

>> Ngôi cổ tự được ví như 'tiên cảnh hạ giới': Tọa lạc trên đỉnh núi gần 2.500m, mây mù giăng lối và sương khói bao phủ quanh năm

Hàng trăm báu vật đã được khai quật trong tàn tích của một ngôi chùa, ít nhất 1.500 tuổi

Ngôi chùa thiêng ở miền Trung nằm cạnh sông, lưng dựa núi, lưu giữ tượng 'Đầu người đội Phật' nghìn năm tuổi

Hoả hoạn thiêu rụi ngôi chùa 1.500 tuổi, để lại vẹn nguyên bức đại Phật được làm từ đất nung và đặt trong nhà lớn nhất thế giới

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-chua-co-nam-tren-phap-truong-phong-kien-tung-la-noi-mai-tang-hang-nghin-liet-si-ngay-giua-long-do-thi-lon-nhat-viet-nam-d118208.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngôi chùa cổ nằm trên pháp trường phong kiến, từng là nơi mai táng hàng nghìn liệt sĩ ngay giữa lòng đô thị lớn nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH