Cách đây vài trăm năm, người xưa đã có thể xây dựng được ngôi chùa trên đỉnh núi cao nhất của dãy Vũ Lăng Sơn nổi tiếng ở Trung Quốc.
Những ngôi chùa được xây sát núi hoặc trên địa hình đồi núi bằng phẳng thì không có gì phải đề cập. Trung Quốc có duy nhất một quần thể đền chùa được coi là "nguy hiểm" nhất, bởi lẽ nó nằm trên đỉnh núi đá cheo leo hùng vĩ cao hơn 2.500 mét. Đó chính là núi Phạm Tịnh - một trong những ngọn núi thần bí nhất Trung Quốc.
Núi Phạm Tịnh là một ngọn núi Phật giáo rất nổi tiếng của Trung Quốc thuộc tỉnh Quý Châu, được người dân Trung Quốc gọi là bồ đề của Phật Di Lặc.
Núi Phạm Tịnh cao khoảng 2.500m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao sừng sững với mây mù vây kín quanh năm, được ca tụng như tiên cảnh dưới nhân gian.
Chính vì địa hình độc đáo như vậy nên đã khiến nhiều người muốn đến đây hành lễ bái Phật, nhưng nếu không có thể lực sức khỏe ổn định thì không thể nào leo lên tận đỉnh núi được. Hai ngôi chùa nằm trên hai đỉnh chóp đá tách đôi của núi Phạm Tịnh, chính giữa có nối liền với nhau bằng một cây cầu đá, trông vô cùng hiểm trở.
Hai ngôi chùa thờ phụng hai tín ngưỡng Phật giáo khác nhau. Một bên thờ Thích Ca Mâu Ni, nên được gọi là điện Thích Ca, tượng trưng cho hiện tại. Một bên là thờ Phật Di Lặc, nên được gọi là điện Di Lặc, tượng trưng cho tương lai.
Điều thần kỳ là hai ngôi chùa này sẽ có những đám mây màu đỏ hồng vây quanh vào mỗi buổi sáng, từ đó người ta gọi đỉnh núi tách đôi Phạm Tịnh là "Hồng Vân Kim Đỉnh". Đường đi lên núi rất khó khăn và trắc trở. Du khách chỉ có thể leo lên bằng những bậc thang đá nhân tạo, có tổng cộng hơn 8.000 bậc thang.
Quá trình đi lên cũng phải hết sức cẩn thận, bắt buộc phải nắm chặt hai đường dây sắt thép có định hai bên để tránh trường hợp sẩy chân rơi xuống. Có những đoạn vô cùng gập ghềnh, cần phải kết hợp tay và chân để từ từ leo lên.
Vì đường lên núi có độ rủi ro cao nên núi Phạm Tịnh luôn giới hạn số lượng du khách được tham gia mỗi ngày, đồng thời người già và trẻ nhỏ được kiến nghị không nên leo lên đỉnh núi.
Lên được đỉnh núi, bạn sẽ phát hiện hai ngôi chùa không quá lớn, phần diện tích chiếm trọn hai đỉnh chóp của núi Phạm Tịnh. Cây cầu đá nối liền hai ngôi chùa như lơ lửng trên không trung, tạo nên cảm giác cực kỳ ngoạn mục.
Đứng trên đỉnh núi, nhìn ngắm hai tòa kiến trúc chùa chiền cổ kính được vây bởi mây ngàn, khiến cho con người có cảm giác như lên tiên cảnh. Người đến bái Phật cũng tự giác lặng yên, thả chậm bước chân, thành tâm xếp hàng để vào điện cúng Phật.
Xây dựng chùa cần vật liệu đá khối, sửa chữa cầu đá cũng cần nhiều vật liệu khác nhau. Trung Quốc thời xưa vẫn chưa có sự trợ giúp của máy móc hiện đại, vậy thì làm sao người xưa có thể vận chuyển được khối lượng vật liệu nặng như vậy lên đỉnh núi cao hùng vĩ?
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có lời lí giải nào hợp lí cho bí ẩn này và không hề có tư liệu gì để ghi lại cách vận chuyển vật liệu xây dựng lên núi. Bên cạnh đó, các chuyên gia nghiên cứu phát hiện, ngôi chùa trên núi Phạm Tịnh đã tồn tại qua hơn 500 năm lịch sử từ thời nhà Minh.
Qua một thời gian dài, hai ngôi chùa trên đỉnh đôi đã được trùng tu và gia cố bằng các vật liệt bền bỉ hơn để chống lại sức gió cũng môi trường khắc nghiệt trên cao. Tuy nhiên, công trình vẫn được giữ nguyên bản thể kiến trúc ban đầu.
Khu vực núi Phạm Tịnh đã được chính phủ quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Quý Châu. Môi trường thiên nhiên của núi Phạm Tịnh là nhà của hơn 2.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật quý hiếm.
Hàng trăm triệu năm trước, núi Phạm Tịnh từ từ nhô lên khỏi đáy đại dương. Những cảnh quan tuyệt đẹp như vách đá dốc đứng, thung lũng sâu và thác nước hình thành từ 1 đến 1,4 tỷ năm trước còn tồn tại nguyên vẹn đến nay.
*Theo Sohu, 163