Điểm đến

Ngôi chùa được ví như một góc “Đà Lạt thu nhỏ trên miền Kinh Bắc”, chứa cả đại hồng chung hơn 200 tuổi

Nhật Linh 09/11/2023 17:30

Đây là ngôi chùa được xây dựng từ lâu đời, trải qua các triều đại phong kiến đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và mở rộng quy mô.

Chùa làng Dực Vi tên chữ là Lương Đống tự hiện nằm bên ngoài đê quai ở phía Tây thôn Dực Vi, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây được ví như như một góc “Đà Lạt thu nhỏ trên miền Kinh Bắc” nằm bên dòng sông Đuống êm đềm. Có nhiều lối vào chùa, nếu đi từ phía cánh đồng và bờ sông Đuống, du khách sẽ gặp hệ thống tượng đá dẫn vào đến cổng chính.

c6

Theo tài liệu văn bia dựng năm Chính Hòa thứ 17 (1698) hiện còn lưu giữ tại tòa Tam bảo cho biết chùa Lương Đống được xây dựng từ lâu đời, trải qua các triều đại phong kiến nhiều lần được trùng tu sửa chữa và mở rộng quy mô.

Hiện nay, chùa có nhiều hạng mục công trình như Tam bảo, nhà Khách, nhà Tổ, nhà Mẫu, Tam quan… Tòa Tam bảo có bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện, kết cấu vì kèo theo phong cách kiến trúc truyền thống, đa số các cấu kiện gỗ được gia công soi gờ thẳng, bào trơn đóng bén. Chính chính thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng hai tôn giả A Nan và Ca Diếp. Các tôn tượng đều có sắc diện rất gần gũi với người Việt. Hai gian còn lại thờ Đức Ông, Đức Thánh Hiền và Tây Phương Tam thánh.

C2
Tôn tượng Đức Phật trên ban thờ Tam Bảo.

Tôn tượng Đức Phật trên ban thờ Tam Bảo.

Trong chùa còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: 2 tấm bia đá hậu phật thời Lê Trung Hưng dựng khắc vào các năm 1698, 1780; 30 pho tượng Phật sơn son thếp vàng, hương án, hoành phi, câu đối, nồi hương gốm sứ...

Nét quê xứ Bắc còn được lưu dấu khá rõ trong toàn bộ không gian cảnh quan nơi đây – khi tất cả các công trình đều được tôn tạo, xây dựng nương theo tự nhiên và đủ để sử dụng, không chạy theo kích thước khổng lồ hay nét tráng lệ.

C4

Đặc biệt, tại cổng Tam quan của chùa Lương Đống còn lưu giữ được một quả chuông đồng lớn (đại hồng chung) đúc dưới thời Nguyễn - 1819. Chuông màu nâu đỏ có kích thước khá lớn cao toàn bộ 115cm (riêng quai cao 29cm), đường kính miệng 66cm, chu vi thân 146cm. Quai chuông là một đôi bồ lao đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên đỡ quả hồ lô.

CHUA1

Phía dưới thân chuông khắc kín bài minh chữ Hán, tất cả khoảng hơn 3.200 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ nét. Nội dung bài minh ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa còn cho biết lý do đúc chuông và ghi khắc toàn bộ tên họ những người công đức tiền của dùng vào việc đúc chuông. Tổng số tiền thập phương tùy duyên công đức cộng lại được 450 quan tiền. Phần cuối ghi dòng lạc khoản: “Gia Long thập bát niên, tam nguyệt, thập nhị nhật” cho biết chuông được đúc vào ngày 12, tháng 3 năm Gia Long 18 (1819).

c5

Quả chuông này phần nào minh chứng cho sự “phục hưng” của Phật giáo đầu thế kỷ XIX, trong giai đoạn này nhiều ngôi chùa được thập phương công đức trùng tu, đúc chuông, tô tượng sau nạn binh đao kéo dài xảy ra vào cuối thời Lê Trung Hưng.

>> Khu khảo cổ khổng lồ rộng hơn 45.000m2 là nơi khai quật nhiều bảo vật quốc gia, được coi là tài sản vô giá của Việt Nam

Nâng cấp ngôi chùa biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, hứa hẹn trở thành điểm tham quan hấp dẫn

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-chua-duoc-vi-nhu-mot-goc-da-lat-thu-nho-tren-mien-kinh-bac-chua-ca-dai-hong-chung-hon-200-tuoi-d111208.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi chùa được ví như một góc “Đà Lạt thu nhỏ trên miền Kinh Bắc”, chứa cả đại hồng chung hơn 200 tuổi
    POWERED BY ONECMS & INTECH