Ngôi chùa đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng hiện tại, nhiều hạng mục đã bị sập, phải khóa cửa để tránh gây nguy hiểm cho du khách.
Chùa Viên Quang tọa lạc tại thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường (Nam Định) là một ngôi chùa cổ linh thiêng dành riêng để thờ phụng các vị Thánh tổ như Giác Hải thiền sư, Không Lộ thiền sư và nhiều vị khác.
Với diện tích rộng khoảng 5.000m2, chùa được xây dựng theo phong cách "nội công ngoại quốc", mặt tiền hướng về hướng tây. Tổng thể của công trình bao gồm nhiều hạng mục với quy mô bề thế, bảo lưu được nhiều nét kiến trúc đặc trưng của thời kỳ Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII).
Năm 1991 ngôi chùa đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng hiện tại, nhiều hạng mục của chùa xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, chùa Viên Quang hình thành cách đây hơn 900 năm với lối kiến trúc độc đáo. Ở phía trước của chùa là hệ thống Tam quan được xây dựng theo kiểu chồng diêm, gồm 3 tầng và 8 mái. Sau Tam quan là tòa giải vũ được xây dựng vào triều vua Thành Thái năm thứ nhất (1889). Tòa giải vũ có quy mô rộng lớn, bao gồm 5 gian, cao và rộng. Sau giải vũ là chùa chính. Công trình chùa chính được dựng kiểu chữ "công" gồm bái đường 7 gian, trung đường 4 gian và thượng điện 7 gian. Bài trí thờ tự trong chùa được phân bổ theo kiểu "tiền Phật hậu Thánh".
Hiện nay, tại di tích này, vẫn còn lưu giữ nhiều di vật và cổ vật có giá trị lịch sử và văn hóa. Các di vật này bao gồm văn bia, nhang án, bài vị, chuông khánh, kiệu bát cống, chân tảng đá cánh sen, sập thờ, khu mộ tháp bằng đá, cũng như 4 pho tượng của các Thánh tổ và tượng bằng đồng của Quan Công và Phổ Hiền.
So với các di tích khác, giải vũ chùa Viên Quang còn được dân làng sử dụng làm nơi hội họp, nghỉ ngơi cho các phật tử trước khi vào chùa chiêm bái, lễ Phật.
Tuy là ngôi chùa cổ nhưng chùa Viên Quang lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục chực chờ đổ sập. Đòn tay bằng gỗ lim đã mục hết, nhiều vị trí được nhà chùa thay thế bằng đòn tre và thêm dầm bê tông để tránh đổ sập.
Thậm chí, nhiều hạng mục đã bị sập, phải khóa cửa để tránh gây nguy hiểm cho du khách đến chiêm bái.
Vãn cảnh dịp lễ tại ngôi chùa nằm ở ‘nóc nhà’ miền Tây
Ngôi chùa cổ tọa lạc trên đỉnh đồi, từng là 'bảo vật' trấn giữ long mạch các đời vua, chúa Nguyễn