Điểm đến

Ngôi già lam cổ tự niên đại hơn 1.000 năm giữa làng cổ bí ẩn, nổi tiếng một thời ở mảnh đất Kinh kỳ, được vua chúa thường xuyên ghé thăm

Quỳnh Như 09/12/2023 - 09:05

Chùa gắn với truyền tích về ngôi làng nuôi giữ hàng ngàn tù binh Chăm từ hơn 1.000 năm trước.

Chùa Bà Già là một công trình kiến trúc Phật giáo có niên đại hơn 1.000 năm. Khách đến thăm có cảm nhận chùa còn vắng hơn cả chùa Bà Đanh. Một số tài liệu nói chùa nằm trong thôn Bà Già nên được gọi là chùa Bà Già. Nhưng cái tên “Bà Già” có nghĩa là gì, huyền tích về “Bà Già” như thế nào thì ít sách báo nói đến, thậm chí việc tìm ra địa danh “thôn Bà Già” đã gặp phải khó khăn trong một thời gian dài.

Ngôi chùa đã có niên đại hơn 1.000 năm nằm giữa lòng Hà Nội.

Ngôi chùa đã có niên đại hơn 1.000 năm nằm giữa lòng Hà Nội.

Thôn Bà Già là một vùng đất có lai lịch bí ẩn. Tại làng Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) còn lưu giữ tại đình làng pho sách cổ Bản xã thần ký (ghi lại thần tích của xã, cũng là của làng). Theo nội dung thần tích, thuở xưa xa, làng quê này có tên là Bà Già hương (hương Bà Già). Đến thời kỳ nước ta bị nhà Đường đô hộ (thế kỷ VIII), hương Bà Già được đổi gọi là An Dưỡng phường. Thế kỷ XIII, vua Trần huy động dân phường này đến sửa chữa bến Đông Bộ Đầu và đắp thành Đại La để chống quân Nguyên xâm lược, vua đã cho đổi gọi là An Dưỡng thành Phú Gia.

Ở đây, từ thời Bắc thuộc đã có nhiều miếu thờ thổ thần và đền thờ. Có một đền thờ thổ thần từ lâu đời, đến năm Thiệu Long đời Trần Thánh Tông (1258-1272), thiền sư Văn Thao đã sửa lại đền, đổi thành chùa An Dưỡng. Sau, chùa bị hư hoại nhiều, đã dời về gò Con Quy. Vẫn theo thần tích xã Phú Gia, vào thời Hồng Đức (1470-1497), nhà Lê, người Phú Gia có ông Nghĩa Đạt đã đỗ Nhất giáp Tiến sỹ, làm quan Phó đô ngự sử, đã hưng công cho chuyển ngôi đình làng từ chỗ giáp làng Quán La về thân đất, ông gọi là hình nhân bái tướng. Còn chùa An Dưỡng (chùa Bà Già) tọa lạc cạnh đình, trên gò Con Quy.

>> Tỉnh thành có tên gọi ‘kho chứa bạc của nhà vua’, được mệnh danh là ‘xứ sở chùa vàng’ Việt Nam với pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời lớn nhất cả nước

Không gian cổ kính bên trong chùa.

Không gian cổ kính bên trong chùa.

Về tên làng Phú Gia thời xưa xa, có một dấu vết để lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn ghi lại việc năm 1330, về Chiêu Minh Đại vương Trần Nhật Duật: “Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già (thôn này có từ hồi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành Bà Già). Nhật Duật đến chơi, có khi đến ba, bốn ngày mới về..."

Ông Hy Phú (thuộc Ban quản lý Di tích Phú Gia) từng cho biết: “Về gốc gác của làng, nơi đây trước kia là một ngôi làng bắt giữ hàng ngàn tù binh Chăm như một nhà tù. Đến tận bây giờ, ở Phú Gia còn có hai dòng họ lớn là minh chứng cho gốc tích của người Chăm. Đó là họ Hy và họ Công trong làng. Trước kia họ gốc là họ Ông và họ Bố. Hai họ này chính là họ của người Chăm khi xưa nhưng do người dân muốn trốn tránh triều đình mà phải đổi họ”. Ngày nay rất ít người biết từng có dấu tích Chăm giữa lòng Hà Nội…

Chính vì gốc gác như vậy mà chùa An Dưỡng của làng Phú Gia còn có bức hoành phi cổ khắc ba chữ "Bà Già tự", tấm bia "Bà Già tự tân tạo" khắc dựng năm Dương Hòa thứ hai 1636 và quả chuông đồng đúc năm 1665. Trong đó, quả chuông đồng được đánh giá là loại chuông hiếm có, ở Hà Nội cũng rất ít.

Gác chuông của chùa Bà Già.

Gác chuông của chùa Bà Già.

Chuông có 303 chữ, 4 mặt có múi chữ khắc năm Chính Hòa (1665) thời Hậu Lê. Chuông đồng cao 129cm, chu vi miệng 70cm, tỷ lệ chiều cao so với chiều ngang là 1,84. Quai là 2 rồng đấu lưng làm khung lớn, thân rồng mập mạp. Chuông có 6 núm tròn để gõ trên 4 núm, dưới 2 núm. Tên chuông là 8 chữ khắc chìm trong họa tiết lá để kiểu chùa Mui (Hà Tây), chùa Nành (Hà Nội), chùa Cam (Ninh Bình)...

Ở địa phương lưu truyền câu chuyện kể rằng, khi chùa An Dưỡng bị thời gian, mưa nắng hủy hoại, có 2 bà già đã phát tâm bồ đề bỏ tiền riêng ra tu tạo chùa, dựng thêm tượng Phật, đúc chuông đồng, dựng gác chuông. Quả chuông đúc năm đó hiện còn lưu giữ tại chùa, có khắc chữ “Trùng tạo trú hồng chung”. Để ghi nhớ công đức của hai bà, dân làng có đặt tượng thờ tại chùa, gọi là tượng hậu phật.

Ngõ dẫn vào bên trong chùa.

Ngõ dẫn vào bên trong chùa.

Ngoài ra, ở chùa hiện còn lưu giữ 58 pho tượng tròn, trong đó có 46 pho tượng Chư Phật, La Hán, Đế Thích và Phạm Thiên, được tạo tác công phu theo nghệ thuật Lê-Nguyễn, sơn thiếp lộng lẫy. Đó là những di vật lịch sử quý, giúp cho hậu thế hiểu được lịch sử sâu xa của một làng quê và vẻ đẹp thiền tịnh của chùa Bà Già.

Năm 1996, chùa Bà Già được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia. Năm 2012, chùa đã được trùng tu và tôn tạo những vẫn giữ được nét đẹp truyền thống ngôi chùa cổ xứ Bắc.

Khung cảnh ao làng Phú Thượng nằm ngay sát chùa Bà Già vào mùa xuân.

Khung cảnh ao làng Phú Thượng nằm ngay sát chùa Bà Già vào mùa xuân.

​Ngày nay, chùa Bà Già và đình Phú Gia nằm ở phố Phú Gia, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Năm tháng qua đi, làng Phú Gia đã lên phố, giao thông nối với trung tâm thành phố rất thuận tiện nhưng mảnh đất này vẫn cổ kính, thanh bình như chưa hề bị đô thị hóa.

>> Ngôi chùa Phật giáo có rồng khổng lồ quấn quanh toà tháp 17 tầng, cao 80m, người thiết kế và xây dựng nay vẫn là bí ẩn

Ngỡ ngàng ngôi chùa có ngọn nến 1.300 năm không tắt, thu hút du khách thập phương tìm về chiêm bái

Ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi có ‘rồng phát sáng’ ở kinh đô đầu tiên của Việt Nam

Nhiều ngân hàng tung ưu đãi khủng dịp cuối năm: Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-gia-lam-co-tu-nien-dai-hon-1000-nam-giua-lang-co-bi-an-noi-tieng-mot-thoi-o-manh-dat-kinh-ky-duoc-vua-chua-thuong-xuyen-ghe-tham-d112729.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngôi già lam cổ tự niên đại hơn 1.000 năm giữa làng cổ bí ẩn, nổi tiếng một thời ở mảnh đất Kinh kỳ, được vua chúa thường xuyên ghé thăm
POWERED BY ONECMS & INTECH