Ngôi làng độc đáo nóc nhà nào cũng 'đậu' toàn xe tăng, máy bay chiến đấu
Nằm giữa vùng nông thôn Ấn Độ, ngôi làng này trở nên nổi bật và thu hút du khách bởi những kiến trúc độc đáo không nơi nào có.
Ngôi làng đưa máy bay, xe tăng, ô tô lên nóc nhà
Khi đến ngôi làng Daulatpur ở vùng nông thôn bang Punjab, Ấn Độ, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những mô hình máy bay, xe tăng và ô tô kích thước lớn được đặt trên nóc các ngôi nhà. Điều khiến du khách bất ngờ hơn nữa là những mô hình này không chỉ để trưng bày mà còn có những công dụng đặc biệt.
Theo CNN, các ngôi nhà tại đây nổi bật với kiến trúc mang phong cách chiết trung đầy màu sắc. Phong cách chiết trung (Eclectic) là sự kết hợp tinh tế giữa cái cũ và cái mới, giao thoa giữa phong cách phương Đông và phương Tây, đồng thời hòa quyện giữa sự đơn giản và sang trọng, giữa tính khoa trương và sự khiêm tốn.
Khung cảnh độc đáo này đã được nhiếp ảnh gia Rajesh Vora ghi lại trong chuyến ghé thăm của mình. Trong đó, nổi bật là mô hình một chiếc máy bay của hãng Air India được đặt trên đỉnh một ngôi nhà màu xanh nhạt. Một ngôi nhà khác cũng có mô hình máy bay Air India trên nóc. Đối diện, một ngôi nhà màu vàng có bản sao của một chiếc xe tăng, được chế tác chi tiết đến mức bao gồm cả hình ảnh một người lính đang cầm súng đứng hiên ngang. Có một ngôi nhà đặc biệt trong làng đã đặt hẳn mô hình một chiếc xe van màu đỏ rực rỡ trên nóc, tạo nên một khung cảnh sống động và đầy màu sắc giữa vùng nông thôn Ấn Độ.
Những thiết kế này, vốn trông như thể chỉ xuất hiện tại các công viên giải trí, thực chất lại là bể nước của các hộ gia đình trong làng.
Nhiếp ảnh gia Rajesh Vora lần đầu chú ý đến những bể nước độc đáo này khi ông đến đây thực hiện nhiệm vụ vào năm 2014. “Tôi rất vui mừng khi chứng kiến kiểu kiến trúc độc đáo này và ngạc nhiên trước sự kết hợp sáng tạo của các bức tượng mô hình trên nóc nhà, tất cả đều do các nghệ nhân địa phương chế tác”, ông chia sẻ.
Ý nghĩa của những bể nước độc lạ
Trong thời gian đó, ông Vora tình cờ đi ngang qua những tòa nhà này khi đến thăm ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Sikh ở làng Talhan để thực hiện một phóng sự ảnh về di cư toàn cầu. Ông giải thích rằng sau khi di cư, nhiều người Ấn Độ thành công đã trở về làng và đóng góp vào việc xây dựng mặt ngoài cho những ngôi nhà.
Trải qua 6 chuyến đi dài 6.000km từ năm 2014-2019, ông Vora dần hiểu rõ hơn về phạm vi và sự phổ biến của xu hướng này.
Khi nhu cầu về các bể chứa nước được thiết kế theo yêu cầu tăng cao, các thợ thủ công địa phương đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Những biểu tượng trên bể nước thay đổi theo xu hướng toàn cầu trong nhiều năm qua. Ví dụ, khi Ấn Độ bắt đầu sản xuất xe tải Maruti nổi tiếng vào những năm 1980, hình ảnh xe tải cũng bắt đầu xuất hiện trên bể chứa nước của nhiều gia đình.
Nhiếp ảnh gia Vora cũng quan sát thấy phong cách kiến trúc đa dạng từ các quốc gia khác bắt đầu hòa nhập vào các ngôi làng ởẤn Độ khi những người trở về từ nước ngoài mang theo những ý tưởng sáng tạo, tạo ra những hiệu ứng kiến trúc độc đáo. Kể từ đó những bể nước khổng lồ với cách trang trí lạ mắt dần trở thành một nét kiến trúc không thể thiếu tại nơi đây.
"Vào những ngày may mắn, tôi có thể chụp được ba hoặc bốn hình ảnh bể chứa nước, nhưng cũng có những ngày tôi chẳng tìm thấy gì", ông Vora chia sẻ. Ông còn cho biết, làng Daulatpur là nơi có thể nhìn thấy nhiều thiết kế kiến trúc nhất trong một khung hình, một điều hiếm gặp.
Ông Vora không chắc liệu truyền thống này sẽ tiếp tục hay phát triển ra sao trong tương lai. Tuy nhiên, ông nhận thấy khu vực này đang chứng kiến những thay đổi lớn, đặc biệt khi người Ấn Độ ngày càng tích lũy tài chính nhiều hơn, và thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của những người nhập cư đã có thêm của cải sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài.
Phần lớn các ngôi nhà ở đây thường đóng cửa suốt năm, chỉ mở ra khi chủ nhân trở về vào kỳ nghỉ hàng năm. Những mô hình đầy màu sắc trên mái nhà vẫn là những dấu ấn nhắc nhở cộng đồng về những hy sinh, thành tựu, và sự thịnh vượng mà con người nơi đây đã đạt được. Trong thời gian này, nhiếp ảnh gia Ấn Độ vẫn tiếp tục nuôi hy vọng tạo ra một kho lưu trữ về di sản kiến trúc độc đáo của vùng đất Punjab.
Theo CNN
>> Từ vùng đất kim cương giàu có bậc nhất châu Phi biến thành 'thị trấn ma' bị sa mạc bao phủ