Ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng và thường được người dân trong vùng tìm đến cúng bái.
Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn tồn tại trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Rừng Rú Chá rộng khoảng 5ha, cái tên Rú Chá xuất phát từ tiếng Huế, trong đó "rú" có nghĩa là rừng, còn "chá" là loại cây được trồng phổ biến ở đây. Mỗi mùa, khu rừng ngập mặn này lại khoác lên mình một màu sắc riêng biệt, xanh mướt vào mùa xuân, vàng rực báo hiệu thu sang và khi mùa hè đến, hàng ngàn cây chá mọc san sát nhau, tạo nên một mảng màu xám trắng lớn, nổi bật một góc trời.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, Rú Chá còn chứa trong lòng nó một ngôi miếu Thánh Mẫu linh thiêng với nhiều câu chuyện huyền bí khiến nhiều người tò mò.
Theo truyền thuyết của dân làng Thuận Hòa kể lại, ngày xưa trong một trận lụt lớn, bát nhang của Đức Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén đã trôi về và nằm tại đây. Thấy vậy, dân làng đã lập miếu thờ cúng. Kể từ đó đến nay, dân làng vẫn tổ chức đám giỗ Đức Thánh Mẫu tại miếu vào ngày 3/3 Âm lịch.
Thông tin trên Báo điện tử VTC News cho biết, người canh giữ miếu Thánh Mẫu chia sẻ rằng, miếu Thánh Mẫu có từ rất lâu đời, ban đầu miếu chỉ có một cái cột và hai mái để đặt bàn thờ. Cho đến thời vua Duy Tân, một vị hoàng tử đi săn bắn trong khu rừng Rú Chá, khi đến miếu Thánh Mẫu thấy một con chim trắng đậu phía trên miếu đã giương cung bắn. Điều lạ là dù bắn ba phát liên tiếp, con chim vẫn không chết và càng lạ hơn khi về đến hoàng cung, vị hoàng tử lại lâm bệnh nặng. Biết chuyện, vua Duy Tân đích thân đến miếu khấn lạy và sau đó vị hoàng tử đã bất ngờ khỏi bệnh.
Năm 1902, nhà vua đã ký ban sắc lệnh tặng sắc bản tại miếu Thánh Mẫu trong rừng Rú Chá và cho tu bổ lại ngôi miếu. Đồng thời truyền lệnh cho dân làng tổ chức lễ hội và thắp nhang khói hàng năm tại đây để tôn kính Thánh Mẫu.
Người canh miếu kể lại rằng, bất cứ ai đi ngang qua miếu cũng phải cúi đầu chào kính cẩn và chỉ khi đã đi qua hết khu vực miếu mới được ngẩng đầu đi tiếp. Nếu không tuân theo, người đó sẽ bị ốm đau và phải chuẩn bị lễ vật đến miếu để cúng Thánh Mẫu nhằm cầu mong sức khỏe và sự bình an. Nhiều năm qua, việc này trở thành một phong tục quan trọng trong đời sống tâm linh của dân làng.
Thực hư của những câu chuyện mà người canh miếu kể lại thực sự là một điều mà không ai có thể chắc chắn. Chúng chỉ là những truyền thuyết được truyền miệng qua nhiều thế hệ, không có bằng chứng cụ thể để chứng minh tính chính xác. Tuy nhiên, điều quan trọng là những câu chuyện này đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của dân làng Thuận Hòa.
>> Việt Nam có ngôi cổ tự gần 300 năm tuổi trên đảo Cù Lao Chàm nổi tiếng với '4 không'