Dù các hộ dân xung quanh đều đã di dời thì gia đình này vẫn giữ nguyên ngôi nhà rộng 1000m2, nhằm đòi khoản đền bù lên tới 1 triệu nhân dân tệ.
Câu chuyện về những ngôi nhà “cứng đầu” nhất quyết không chịu di dời luôn khiến nhiều người quan tâm và chú ý. Ở Trung Quốc nhiều năm qua vẫn luôn tồn tại nhiều “căn nhà đinh” ương ngạnh nhất định không chịu phá dỡ dù gây ảnh hưởng rất lớn tới mỹ quan đô thị.
Năm 2015, một đoạn của Đường vành đai thứ ba của thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã được lựa chọn để trở thành một trong những khu vực nhận nước của "Dự án dẫn nước quốc gia Nam - Bắc". Theo đó, nhằm đảm bảo chất lượng nước của dòng kênh, dự án yêu cầu không được xuất hiện làng xóm hay công trình công nghiệp nào trong bán kính 50m2 xuất hiện ở hai bên bờ kênh.
Cụ thể, các đối tượng thuộc diện giải tỏa sẽ được bồi thường với số tiền đền bù lên tới 1.000 nhân dân tệ/m2 cùng với một ngôi nhà trong thành phố có cùng diện tích. Việc những khu nhà ở được quy hoạch và đền bù hoặc được trả giá cao là một trong những mong muốn của không ít người. Tuy nhiên, một gia đình tại đây này lại có quyết định đi ngược với số đông khi khăng khăng không chịu di dời.
Theo đó, gia chủ họ Trịnh (70 tuổi) này không đồng ý với việc phá dỡ, đồng thời cho rằng tổ công tác không đối xử bình đẳng với mọi người khi không đền bù cho ông theo đúng quy định.
Được biết, gia đình ông Trịnh có hai ngôi nhà với diện tích xây dựng là 1.000m2. Nếu chỉ tính riêng tiền bồi thường, con số đã lên tới 1 triệu nhân dân tệ. Cộng thêm khoản đền bù một ngôi nhà 1000m2 trong thành phố, con số ước tính lên tới hơn 10 triệu nhân dân tệ ( tương đương hơn 34 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo phương án bồi thường của chính quyền thành phố Trịnh Châu cho biết, chỉ những nhà ở nông thôn mới được bồi thường theo tiêu chuẩn này. Vì nhà của ông Trịnh nằm ở khu vực ngoại thành nên không thể thực hiện đền bù theo chính sách.
Đặc biệt, trong quá trình xác minh thông tin, căn nhà của ông Trịnh còn bị nghi ngờ xây dựng trái phép. Do đó, ông Trịnh không những không được hưởng tiền bồi thường mà cơ ngơi rộng 1000m2 này còn có khả năng bị cưỡng chế phá dỡ.
Hóa ra đầu năm 2010, hai người con trai của ông Trịnh nhận được tin dự án dẫn nước Nam - Bắc rất có thể sẽ đi qua nhà mình nên đã cùng nhau "cơi nới" ngôi nhà ban đầu thành 2 căn nhà lớn với diện tích 1000m2. Theo tính toán ban đầu, sau khi dự án được triển khai, họ sẽ nhận được một khoản tiền "kếch xù". Tuy nhiên mọi việc xảy ra không được thuận lợi như suy nghĩ.
Bởi vì nhà của ông Trịnh không tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, yêu cầu đền bù của gia đình ông Trịnh đương nhiên không được chấp thuận và phía thực hiện dự án chỉ có thể bồi thường theo diện tích căn nhà cũ.
Đối với một dự án lớn cấp quốc gia, việc triển khai đã được lên kế hoạch cụ thể. Bất cứ sự thay đổi nhỏ nào cũng có thể làm chậm thời gian thi công và tiêu tốn một lượng lớn nhân lực và vật lực. Để dự án được triển khai thuận lợi, các bộ phận liên quan cũng đề nghị bồi thường thêm, nhưng ông Trịnh nhất quyết muốn được tính theo diện tích sau khi xây dựng trái phép là 1000m2. Hai bên đã nhiều lần thương lượng nhưng không tìm được tiếng nói chung trong việc đền bù.
Sau khi biết được tình hình, lãnh đạo cấp cao của dự án đã đưa ra quyết định chuyển hướng tuyến kênh nước vòng qua nhà ông Trịnh.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, các bản vẽ kỹ thuật đã nhanh chóng được hoàn thành và dự án tiếp tục thi công thuận lợi. Cứ như thế, nhà của ông Trịnh trở thành ngôi nhà duy nhất trong khu vực đó không bị di chuyển.
Khi truyền thông đưa tin, ngôi nhà này trở nên nổi tiếng và chịu sự lên án và đả kích của đa số người dân. Không chịu được điều tiếng, hai người con trai của ông Trịnh chuyển đến nơi khác sinh sống.
Bên cạnh đó, khi dự án được triển khai, vì bị lấp đất nâng nền nên 2 căn nhà của ông Trịnh trở thành chỗ trũng. Gia đình ông cũng bị cắt điện nước, hễ trời mưa là nước tràn vào dẫn đến tình trạng ngập lụt, bùn đất tràn vào cả trong nhà. Vì nhà không còn ở được nữa, một thời gian sau con trai ông Trịnh quyết định đón bố về ở cùng.
Ngang ngược và quyết không chịu di dời, gia đình ông Trịnh cũng có ngày nếm “trái đắng”, chính sự tham lam đã hại họ một "đòn đau".