Ngọn núi cao 2890m này có những điều cực kì lạ lùng, không giống bất kỳ ngọn núi lửa nào trên thế giới.
Ol Doinyo Lengai, có nghĩa là "Ngọn núi của Chúa" trong tiếng địa phương, nổi tiếng với việc là một trong những ngọn núi lửa nhưng phun ra dung nham màu đen và có nhiệt độ thấp nhất trên thế giới. Ngoài ra, nơi đây còn trở nên nổi tiếng với câu chuyện về một người đã may mắn sống sót sau khi rơi từ đỉnh xuống.
Nằm ở phía bắc Tanzania, Ol Doinyo Lengai là núi lửa duy nhất trên thế giới được biết đến với khả năng phun dung nham gốc carbon hay dung nham natrocarbonatite. Có bằng chứng cho thấy núi lửa trên sao Kim cũng có thể từng phun dung nham natrocarbonatite, nhưng trên Trái Đất, Ol Doinyo Lengai là núi lửa duy nhất làm được điều đó.
Hầu hết các núi lửa phun loại dung nham giàu khoáng chất silicate, khiến nhiệt độ nóng chảy lên tới hơn 1.000 độ C, còn với Ol Doinyo Lengai, dung nham của ngọn núi này tương đối ít silicate nhưng chứa rất nhiều khoáng chất carbonate, cho phép dung nham duy trì trạng thái lỏng ở mức nhiệt chỉ khoảng 510 độ C. Việc thiếu silicate khiến dung nham cực kỳ nhớt. Khi phun trào, ngọn núi này giống như phun ra dầu máy đen thay vì những đợt dung nham đỏ rực.
Với độ nhớt của dung nham, các nhà khoa học đã ngạc nhiên trước khả năng phun trào mạnh mẽ của Ol Doinyo Lengai. Các loại phun trào bùng nổ thường xảy ra ở các núi lửa khác vì bọt khí có thể bị mắc kẹt trong dung nham đặc và sệt. Tuy nhiên, Ol Doinyo Lengai vẫn có thể phun trào dữ dội với dòng dung nham lỏng do chứa CO2 hòa tan và các loại khí khác, tạo ra hiện tượng sủi bọt giống như nước có ga.
Ngọn núi này có chiều cao 2.962m và có hai miệng phun, nhưng chỉ miệng phun phía bắc thường phun trào. Thời kỳ phun trào gần đây nhất được ghi nhận từ tháng 4/2017 và lần gần đây nhất là vào tháng 3/2024.
Năm 2009, một nhóm nhà nghiên cứu núi lửa đã thu thập các mẫu khí từ Ol Doinyo Lengai để tìm hiểu về dòng dung nham gốc carbon độc đáo. Họ phát hiện ra rằng thành phần của khí này rất giống với những loại khí phun ra từ các núi lửa dưới đáy biển, mặc dù Ol Doinyo Lengai nằm sâu trong đất liền.
Một điều đặc biệt về Ol Doinyo Lengai là sự phun trào của nó lại được con người chờ đợi. Lý do là nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dung nham ở đây chứa nhiều nguyên tố đất hiếm - một thành phần quan trọng của các thiết bị điện tử hiện đại. Ngoài ra, với tuổi đời lên đến hơn 370.000 năm, núi lửa này cũng được coi là một nguồn tài nguyên hữu ích cho các công trình khảo cổ học.
Quay trở lại năm 2007, một người địa phương trong một cuộc thám hiểm đã không may rơi xuống miệng núi lửa trong khu vực nơi dung nham vẫn đang hoạt động.
Mặc dù bị bỏng nặng ở cả hai chân và một cánh tay và phải nhập viện ngay sau đó, người đàn ông này cuối cùng cũng may mắn thoát được ra khỏi khu vực nguy hiểm và may mắn sống sót. Mặc dù không phải là kỷ niệm đẹp nhưng người này cũng có thể tự hào là người duy nhất trên thế giới rơi xuống miệng núi lửa nhưng vẫn sống sót.
Theo IFL Science
>> Tỉnh duy nhất Trung Quốc không có đồng bằng, là quê hương của những cây cầu cao nhất thế giới