Ngày phay đất trồng cây, nhiều người cho rằng anh Chín Trọn bị “điên” khi trồng sầu riêng ở vùng đất cằn này. Bất chấp sự hoài nghi của mọi người, anh đã biến khu đất cằn ở Gia Lai thành vườn sầu riêng 100ha.
Từ Chín “điên” đến Chín sầu riêng
Từ Hải Dương vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, anh Hoàng Văn Trọn (SN 1973, trú tại xã Ia Kriêng, Đức Cơ, Gia Lai) đã nhiều năm đi thu mua sầu riêng khắp các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam để nhập cho đại lý.
Vì là con thứ 8 trong gia đình nên mọi người gọi anh bằng cái tên thân mật là Chín Trọn.
Quá trình thu mua, anh Chín Trọn nhận thấy đây là loại cây đem lại giá trị kinh tế cao, thời gian cho quả rất dài. Nếu chỉ thu mua sẽ chỉ được hưởng phần chênh lệch giá nên anh muốn có một khu vườn của chính mình.
Đầu năm 2018, anh đã mua 9ha đất tại Đội 10, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ để trồng sầu riêng.
Ngày phay đất trồng cây, nhiều người cho rằng anh Chín Trọn bị “điên” khi trồng sầu riêng ở vùng đất mà mỗi cây dầu có thể tồn tại. Bất chấp sự hoài nghi và chế nhạo của mọi người, anh vẫn tin tưởng vào linh cảm của mình. Cái tên Chín “điên” cũng xuất hiện từ đó.
Sau khi trồng 9ha sầu riêng, anh Chín “điên” lại tiếp tục bôn ba kinh doanh buôn bán.
Gom được ít tiền, anh vay mượn thêm đầu tư mua đất, mở rộng diện tích trồng cây. Cứ thế, đến thời điểm hiện tại, anh đã sở hữu 100ha, trong đó có 20ha cây 5 - 6 năm tuổi, hơn 60ha cây 2 – 3 năm tuổi và gần 20ha chuẩn bị trồng mới. Cách đây 2 năm có người từ Trung Quốc đến trả 100 tỷ đồng nhưng anh không bán.
“Với 20ha cây sầu riêng 5 - 6 năm tuổi, dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch 200 tấn quả, ước tính khoảng 15 tỷ đồng. Chỉ ít năm nữa, khi cả vườn sầu riêng 100ha đi vào kinh doanh, mỗi năm sẽ thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả”, anh Chín khẳng định.
Để chăm sóc vườn cây của mình, anh Chín phải sử dụng hơn 20 lao động là người địa phương, mỗi tháng chi phí tiền công và ăn uống khoảng 300 triệu đồng.
Với diện tích hiện có, anh Chín Trọn là người trồng nhiều sầu riêng nhất huyện Đức Cơ. Giờ đây cái tên Hoàng Văn Trọn dường như chỉ tồn tại trong khuôn khổ thông tin cá nhân và giao dịch ngân hàng, nhiều người không biết là ai.
Về địa phương này chỉ cần hỏi anh Chín sầu riêng thì ai cũng biết, họ còn tôn vinh anh là “vua sầu riêng”.
Đầu tư cả chục tỷ đồng chống hạn
Sầu riêng là loại cây rất cần nước, thời gian tưới kéo dài 7 tháng trong năm. Nếu không đủ nước, quả sẽ nhỏ, tỷ lệ đậu rất ít, năng suất thấp, thậm chí nếu nắng hạn kéo dài có thể làm cây chết.
Để phục vụ cho vườn sầu riêng khoảng 18.000 cây của mình, ngoài sử dụng nguồn nước khe suối tự nhiên, anh Chín sầu riêng còn khoan 13 cái giếng phòng khi thiếu hụt. Thế nhưng thời gian nắng hạn vừa qua, giếng khoan hết nước, khe suối cũng cạn khô.
Để cứu vườn sầu riêng đang độ ra quả, anh đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua máy móc, đường ống bơm nước từ huyện Chư Prông, cách xa 10km rồi bơm liên tục 78 ngày không nghỉ.
Lượng nước đưa về vườn khoảng 144.000 khối, tiền điện và tiền dầu phục vụ máy bơm khoảng 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra tiền mua máy bơm, đường ống, công lắp đặt và tháo dỡ hết gần 1,9 tỷ đồng.
Theo anh, do nằm trên đồi cao, nếu không nhanh tay cứu vườn chắc sẽ không còn cây nào sống sót. Nắng hạn đỉnh điểm, chỉ cần bỏ 1 tuần không tưới cây sầu riêng sẽ chết. Rất may anh dẫn nước về kịp nên vớt vát được phần nào, nếu không thì mất trắng.
Để chủ động về nguồn nước phòng chống hạn trong những năm tiếp theo, anh Chín đã mua đất, đào 2 cái hồ với sức chứa gần 200.000m3 và đang đào thêm 1 cái hồ khoảng 100.000m3.
Nói về chi phí đào hồ trữ nước, vua sầu riêng Đức Cơ bộc bạch: “Ngoài việc mua đất để đào hồ, chi phí đào 2 cái hồ vừa qua hết 3,6 tỷ đồng. Hiện tôi đang làm hồ thứ 3 dự kiến hết khoảng 2 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, còn phải thay trạm biến áp hết gần 2 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Cơ cho biết, mặc dù mới tham gia trồng sầu riêng được mấy năm nay nhưng anh Chín Trọn luôn mở rộng diện tích. Hiện tại đã có 100ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 20ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Cơ, do mới trồng nên vườn sầu riêng của anh Chín không phải đẹp nhất nhưng có quy mô lớn nhất huyện. Đây là tấm gương về lao động. Huyện đang tổng kết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và đề xuất UBND tỉnh tặng bằng khen cho anh Chín Trọn.
>> Sự thực về sầu Thái tí hon gây 'sốt' trên chợ mạng, tôm hùm bông giá siêu rẻ