Người đàn ông Việt Nam sở hữu 3 tấn vàng ròng, từng được mệnh danh là ‘trùm đồ cổ’, muốn biến Hải Phòng thành ‘vương quốc gốm sứ’ của thế giới
Vừa buôn đồ cổ vừa buôn đồ cũ từ nước ngoài về, ông từng là một đại gia giàu có, sở hữu tài sản lên đến hàng triệu USD.
Hơn 40 năm trước, tại thành phố cảng Hải Phòng, cái tên Hải “đồ cổ” (tên thật là Bùi Xuân Hải) từng vang danh trên thương trường. Ông sở hữu khối tài sản khổng lồ mà ngay cả thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn phải ao ước. Thế nhưng, cuộc đời ông lại gắn liền với những thăng trầm, từ đỉnh cao của sự giàu có đến những lần trắng tay, thậm chí 4 lần vào tù, ra tội.
Từ cậu bé nghèo nhặt lông vịt đến "vua đồ cổ"

Ông Bùi Xuân Hải sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Ân Thi, Hưng Yên, là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Từ nhỏ, ông đã không cam chịu cảnh đói khổ mà luôn tìm cách vươn lên.
Ngoài giờ đi học, ông phụ giúp cha chăn trâu nhưng thường thả rông trâu ngoài đồng để có thời gian nhặt lông vịt, lông ngan khắp thôn xóm. Tích tiểu thành đại, ông đem bán lấy tiền mua gạo, giúp gia đình no bụng thêm vài ngày.
Với ý chí vượt khó, ông đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia năm cuối phổ thông và được tuyển thẳng vào Khoa Địa lý Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, ông trở thành giáo viên dạy môn Địa lý tại Trường PTTH Phù Cừ (Hưng Yên).
Chính quãng thời gian làm nghề giáo đã mở ra một bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Một ngày nọ, một học trò tặng ông một chiếc bình để cắm hoa. Khi chuyển về Hải Phòng sinh sống, ông vẫn mang theo chiếc bình như một kỷ vật. Không ngờ rằng, một người bạn đến chơi đã nhận ra đây là chiếc bình bát tiên đời Tống, một cổ vật vô giá.
Ban đầu, ông từ chối bán dù được trả 2 cây vàng. Nhưng chỉ vài ngày sau, nhiều người tìm đến, liên tục nâng giá lên 7 cây vàng và ông đã đồng ý. Chính giao dịch này đã biến ông từ một thầy giáo nghèo thành một nhà buôn đồ cổ giàu có.
Hành trình trở thành "vua đồ cổ"


Sau thương vụ đầu tiên, ông quyết định bỏ nghề giáo, lao vào săn lùng và thu mua đồ cổ. Thời điểm đó, người dân chưa hiểu hết giá trị của cổ vật, nên ông có thể dễ dàng thu mua với giá rẻ, thậm chí có khi còn được tặng không.
Với mắt nhìn tinh tường và sự nhạy bén, ông nhanh chóng tạo dựng một đế chế đồ cổ. Đến năm 1980, sau chưa đầy một thập kỷ, ông đã sở hữu 3 tấn vàng - một khối tài sản có thể mua được cả một góc thành phố Hải Phòng.
Những chuyến tàu chở đầy toa đồ cổ từ TP. HCM ra Hà Nội, đem về cho ông không biết bao nhiêu vàng bạc, đô la. Đồ cổ chất ngập trong ngôi biệt thự khổng lồ ở 14 Phạm Bá Trực. Từ Bắc vào Nam, ông có tổng cộng 200 điểm cất giữ đồ cổ, vì nhà cửa ở Hải Phòng không đủ chỗ để. Cái tên Hải “đồ cổ” bắt đầu nổi danh khắp nước từ đó. Từ đó, người ta gọi ông Hải là “vua đồ cổ”.
Thời hoàng kim, ông di chuyển bằng xe tải chở đồ cổ, thậm chí dùng cả tàu để vận chuyển khắp vùng biển, không ai ngăn cản. Ngành nghề kinh doanh của ông khi đó độc đáo và táo bạo, không ai có thể nghĩ đến.
4 lần vào tù, ra tội
Tưởng chừng sự nghiệp đồ cổ sẽ giúp ông đứng vững trên đỉnh cao, nhưng biến cố bất ngờ ập đến vào năm 1981. Trong một thương vụ mua đồng đen tại Thái Bình, ông Bùi Xuân Hải mang theo 1,7kg vàng thì bị công an kiểm tra đột xuất. Cả vàng và đồng đen đều bị thu giữ, ông phải ngồi trại 2 tháng vì bị cáo buộc buôn hàng quốc cấm.
Ra tù, ông không hề nản chí mà tiếp tục thành lập Công ty Thiết bị Giáo dục, chuyên thu gom phế liệu tái chế. Tuy nhiên, khi nhà máy vừa xây dựng xong, năm 1986, ông lại bị bắt vì đầu cơ đồ cổ và nhận án 20 tháng tù giam.
Sau khi mãn hạn tù, ông quyết định chuyển hướng sang kinh doanh gốm sứ và đồ giả cổ, thành lập Havico – một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gốm. Chỉ sau 2 năm, công ty đã đạt mức xuất khẩu hàng hóa trị giá 8 triệu USD. Thời kỳ đỉnh cao, Havico sở hữu 5 doanh nghiệp trực thuộc và tạo việc làm cho khoảng 4.000 công nhân.


Tuy nhiên, biến cố tiếp tục xảy ra. Ngày 19/1/1994, ông Hải bị Công an Hà Nội bắt giữ vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, liên quan đến khoản nợ 400.000 USD của một công ty xuất nhập khẩu. Tại phiên tòa lần thứ ba, ông tự bào chữa, khẳng định mình là chủ nợ chứ không phải con nợ. Không thành án, ngày 31/5/1995, ông Hải được trả tự do nhưng sản nghiệp đã mất hết.
Cùng thời điểm đó, chính quyền Hải Phòng quyết định thu hồi các nhà máy bên đường 5 để mở rộng 2 làn đường, khiến 3 lò đốt hiện đại cùng toàn bộ máy móc, nhà xưởng bị tịch thu. Dù vậy, ông chỉ nhận được 1% tiền bồi thường.
Chưa dừng lại ở đó, 7 năm sau, ông tiếp tục bị bắt vì vi phạm Luật Đất đai và bị giam 14 tháng.
Lần thứ tư ngồi tù khi đã xấp xỉ 60 tuổi, ông vẫn miệt mài nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi nung. Ra tù trong cảnh trắng tay, ông không để bản thân chìm trong nỗi buồn mà nhanh chóng thành lập xưởng sứ cao cấp vẽ vàng trên khu đất rộng 1ha, nằm ở chân đê, trên đường từ TP. Hải Phòng đi Đồ Sơn cũ. Nơi đây không chỉ là xưởng sản xuất, mà còn là trung tâm đào tạo nghề cho nhiều thế hệ học viên từ khắp nơi.
Dù trải qua vô số khó khăn, ông vẫn giữ vững ý chí. Trong một lần chia sẻ với báo chí vào năm 2014, ông từng nói: "Cách đây 30 năm, tôi là đại tỷ phú. Giờ đây, tôi là 'chúa chổm', đi vay nặng lãi khắp nơi chỉ để duy trì cái xưởng gốm sứ..."
Thế nhưng, khát vọng lớn nhất của ông vẫn không thay đổi: biến Hải Phòng thành "vương quốc gốm sứ" của thế giới. Đặc biệt, ông mong muốn nâng tầm công nghệ vẽ vàng lên gốm sứ, không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh với nền gốm sứ Trung Quốc – nền văn hóa gốm hàng nghìn năm tuổi.