Người đầu tiên giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ: Người anh em chí thiết, cộng sự đắc lực của Bác Hồ, được truy tặng huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam

17-04-2024 12:31|Quỳnh Châu

Ông là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng.

Gia đình đời nối đời tham gia chống Pháp

Hồ Tùng Mậu (tên khai sinh là Hồ Bá Cự) sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Gia tộc ông thuộc hàng "danh gia vọng tộc" của làng khoa bảng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cũng là gia tộc đời nối đời tham gia chống thực dân Pháp. Ông nội ông là Án sát Hồ Bá Ôn, bị tử thương khi chỉ huy bảo vệ thành Nam Định. Cha ông là Hồ Bá Kiện, đã hy sinh trong chiến đấu khi lãnh đạo tù nhân phá nhà ngục Lao Bảo.

Ông lớn lên trong cảnh đất nước đang lầm than, nô lệ như người đi trong đêm tối không thấy đường ra. Năm 1916, Hồ Tùng Mậu thoát ly gia đình, dạy học ở hai huyện Thanh Chương và Anh Sơn (Nghệ An) mong tìm được bạn cùng chí hướng.

Chân dung Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên Hồ Tùng Mậu. Ảnh tư liệu/Tạp chí Tuyên giáo

Chân dung Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên Hồ Tùng Mậu. Ảnh tư liệu/Tạp chí Tuyên giáo

Mùa xuân năm 1923, Hồ Tùng Mậu cùng với 6 thanh niên yêu nước khác lập ra tổ chức Tân Việt Thanh niên Đoàn, tức là Tâm Tâm xã. Tôn chỉ mục đích của tổ chức là “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”. Thực hiện mục tiêu đó, đầu năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước chuẩn bị các kế hoạch dài hạn sau này.

Tháng 7/1924, Hồ Tùng Mậu trở lại Quảng Châu. Lúc này vừa xảy ra vụ Phạm Hồng Thái mưu sát tên Toàn quyền Méc-lanh ở Sa Diện. Hồ Tùng Mậu nức lòng ca ngợi tinh thần dũng cảm và sự hy sinh oanh liệt của liệt sỹ Phạm Hồng Thái.

Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô tới Quảng Châu hoạt động. Tại đây, Người có kế hoạch huấn luyện chính trị cho lớp cán bộ đầu tiên của Việt Nam, lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng, chuẩn bị toàn diện mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Hồ Tùng Mậu được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện chủ nghĩa Mác - Lênin, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Cộng sản Đoàn, trở thành một cán bộ xuất sắc.

Sau một thời gian học tập, Hồ Tùng Mậu được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử về nước với nhiệm vụ tổ chức đường dây liên lạc giữa trong nước với cơ quan của Tổng bộ ở Quảng Châu; lựa chọn thanh niên tiến bộ đưa sang Quảng Châu để huấn luyện chính trị. Thi hành quyết định đó, giữa năm 1925, Hồ Tùng Mậu về Hải Phòng, mở hiệu sách “Huệ Quần thư điếm” làm nơi liên lạc các cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An... Năm 1926, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Lê Hữu Lập... tổ chức đưa được nhiều thanh niên tiến bộ sang Quảng Châu để dự lớp huấn luyện chính trị.

Tháng 12/1927, Hồ Tùng Mậu cùng một chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Quảng Châu nên lại bị bắt giam, đến cuối thu năm 1929 mới được tha. Thời gian ở tù, ông được bầu vắng mặt làm Uỷ viên chấp hành Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại Đại hội Đại biểu lần thứ I của tổ chức này.

Tháng 6/1931, ông lại bị bắt tại Thượng Hải do đế quốc Anh-Pháp liên kết thực hiện. Chúng giải ông về giam ở nhà lao Hoả Lò, Hà Nội. Chính quyền thực dân và phong kiến đòi thi hành án tử hình ông mà chúng đã xử cuối năm 1929. Hồ Tùng Mậu phản đối kịch liệt bản án sai trái đó. Ngày 6/12/1931, Toà án Nghệ An xử lại, kết án ông tù khổ sai chung thân.

Từ 12/1931-3/1945, Hồ Tùng Mậu được chuyển qua các nhà tù Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Mê Thuột... cuộc sống tù đày cơ cực chỉ tôi luyện thêm tinh thần lạc quan, hun đúc khí tiết, tình đồng chí, nghĩa đồng bào ở người cộng sản chân chính.

Người anh em chí thiết của Bác Hồ

Lợi dụng phát xít Nhật đảo chính Pháp, ông cùng các tù chính trị trốn khỏi căng an trí Trà Khê, tỉnh Phú Yên trở về quê hoạt động tại cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau khởi nghĩa, ông được giao nhiều nhiệm vụ: Phụ trách Trường quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu IV, Uỷ viên thường vụ Liên khu uỷ...

Hội nghị toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 21/1-3/2/1950), Hồ Tùng Mậu và một số đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh tư liệu/Tạp chí Mặt trận

Hội nghị toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 21/1-3/2/1950), Hồ Tùng Mậu và một số đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh tư liệu/Tạp chí Mặt trận

Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử ông giữ chức vụ Tổng Thanh tra. Đầu năm 1950, Hội Việt - Hoa hữu nghị được thành lập, ông được bầu làm Hội trưởng đầu tiên của Hội.

Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2/1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 23/7/1951, ông hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại Phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết Lời điếu viếng ông, trong đó có đoạn: "Chú Tùng Mậu ơi! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình nghĩa riêng - tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột.

Bác Hồ và ông Hồ Tùng Mậu. Ảnh tư liệu/Tạp chí Tuyên giáo

Bác Hồ và ông Hồ Tùng Mậu. Ảnh tư liệu/Tạp chí Tuyên giáo

Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi tranh đấu ở nước nhà… đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết! Mấy nguồn thương tiếc! Mấy nguồn thương tiếc cộng vào một lòng tôi…."

Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố và trường học tại Việt Nam.

Tham khảo:

- Đồng chí Hồ Tùng Mậu - Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên và những đóng góp to lớn cho công tác tổ chức cán bộ - Tạp chí Thanh Tra

- Hồ Tùng Mậu - nhân cách mẫu mực và lý tưởng cao cả của người cộng sản - Tạp chí Cộng sản

- Hồ Tùng Mậu - người anh em chí thiết của Bác Hồ - Báo QĐND

- Đồng chí Hồ Tùng Mậu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc - Tạp chí Xây dựng Đảng

>> Thân thế vị tướng được phong tướng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Pháo binh

Nhà yêu nước 70 tuổi vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về làm Bộ trưởng, từng thay mặt Bác điều hành đất nước trong thời điểm 'ngàn cân treo sợi tóc'

Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam: Được Bác Hồ giao đặc trách cả Nam Bộ, là người đầu tiên trong quân đội được nhận Huân chương Quân công hạng Nhất

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-dau-tien-giu-chuc-tong-thanh-tra-chinh-phu-nguoi-anh-em-chi-thiet-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-duoc-truy-tang-huan-chuong-cao-quy-nhat-cua-nha-nuoc-viet-nam-d120656.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người đầu tiên giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ: Người anh em chí thiết, cộng sự đắc lực của Bác Hồ, được truy tặng huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH