Khiêm tốn là một đức tính quý nhưng trong cuộc sống cũng cần “phô trương đúng thời điểm” để đạt thành công.
Khiêm tốn giúp chúng ta biết lắng nghe để học hỏi, cố gắng để luôn tìm kiếm sự phát triển. Đây cũng là điều kiện cần để dễ dàng hòa nhập, nhận được tình cảm yêu mến từ mọi người.
Tuy vậy, cũng giống như đồng xu có hai mặt. Vậy đâu các thời điểm vàng “nên hoặc không nên” khiêm tốn để giúp người có năng lực tiếp cận được thành công?
Những người càng có khả năng, càng khiêm tốn và ít phô trương
Khiêm tốn được thể hiện qua hành động, thái độ của bản thân một cách chừng mực, không kiêu căng, không khoe khoang về những gì mình có trước người khác và không cố tình thể hiện chiến tích mình đạt được.
Thực tế cho thấy, mỗi người chúng ta luôn mong ước được làm việc trong một môi trường hoàn hảo, nơi tất cả đồng nghiệp đều đối xử với nhau thân thiện, hòa đồng và hợp tác một cách công bằng, không ai cần sự tán dương từ cấp trên, hay khoe khoang thành tích của mình với những người đồng nghiệp khác.
Thay vì bộc lộ bản thân một cách thường xuyên và trực tiếp, hãy để năng lực của mình được thể hiện một cách từ từ, không để người khác phải ganh tỵ. Có như vậy, cuộc sống và công việc mới có thể suôn sẻ.
Và chúng ta luôn tin rằng sự khiêm tốn và đức tính chăm chỉ là những công thức mặc định cho sự thành công của từng cá nhân. Bởi thực lực của bạn sẽ được chứng minh trong suốt quá trình sống và làm việc.
Vì vậy, không nên khoe khoang về bản thân, nhất là phô trương về tiền tài, vật chất trước mặt người khác. Những người càng khôn ngoan hay có năng lực, họ càng hiểu được rằng kiêu ngạo chỉ khiến mọi người lùi bước, và sự khiêm tốn khiến mọi người tiến bộ, vì vậy họ hành động thận trọng, cư xử mềm mỏng, khiêm tốn và ít phô trương.
Có nên khiêm tốn trong công việc?
Tuy nhiên, nếu để mọi thứ xảy ra theo tự nhiên và chúng ta không có sự tác động nào, đồng nghĩa rằng chúng ta đang tự vẽ ra cho mình một vòng tròn an toàn. Trong công việc, đôi lúc khiêm tốn quá mức sẽ gây nên sự bất lợi, khiến bản thân bị thiệt thòi hoặc thậm chí lỡ mất cơ hội phát triển sự nghiệp.
Thứ nhất, khiêm tôn sẽ khiến giá trị của bản thân trở nên vô hình. Thông thường, việc chứng minh hành động sẽ hiệu quả hơn là lời nói nhưng đôi khi đã vô tình đánh mất đi những cơ hội may mắn mà họ có thể có được.
Trong những việc chúng ta làm, dù không mang tính khoe khoang nhưng nếu chúng ta không trình bày, mọi người sẽ không lắng nghe và không hiểu được. Vô tình những gì bạn đóng góp cho công ty sẽ không được ai biết đến.
Bạn có cảm thấy buồn không khi đứa con tinh thần của mình bị lãng quên? Nhất là khi trong một môi trường mang tính cạnh tranh thì việc tự tin bộc lộ bản thân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bước lên một tầm cao mới. Đôi khi, bạn cần sử dụng lời nói để tạo ra cơ hội thay vì chờ đợi để hành động.
Thứ hai, quá khiêm tốn sẽ không bộc lộ được thế mạnh vốn có. Sự thật là khi quá khiêm tốn, chúng ta sẽ thu vào trong vỏ bọc của chính mình và không để ý đến những giá trị cốt lõi của bản thân.
Đức tính khiêm tốn có thể khiến bạn dễ dàng hài lòng cuộc sống thực tại, thế nhưng lại không thể bộc lộ kỹ năng và giá trị riêng của mình. Lâu dần, bạn sẽ đánh mất đi niềm tin và sự tự tin của chính bản thân mình.
Thứ ba, khi quá khiêm tốn sẽ ảnh hưởng đến “mức thu nhập xứng đáng nhận được”. Trong một cuộc đàm phán, bạn cần biết giá trị của bạn là gì và không nên sợ hãi hay lo lắng khi tranh đấu cho một ý kiến đúng. Và khi làm việc, chúng ta cũng thường nhìn thấy nhiều người chấp nhận mức lương thấp chỉ vì họ không dám nói lên yêu cầu của mình. Bạn có khả năng cao sẽ không đạt được những thứ tương xứng với năng lực của mình nếu như bạn quá rụt rè trong buổi phỏng vấn.
Thứ tư, quá khiêm tốn sẽ trở thành một điều kiện khiến người khác dễ dàng sai khiến bạn. Có thể bạn dễ bị lợi dụng nếu quá rụt rè và nhút nhát. Trong công việc, khi bạn đã làm xong phần việc của mình, họ sẽ tranh thủ nhờ vả bạn làm giúp những việc khác.
Vì họ biết rằng bạn sẽ không từ chối hoặc phản ứng, và vô tình bạn trở thành “bậc thang” cho con đường phát triển của người khác. Vì họ chỉ quan tâm những lợi ích mà họ có được.
Lời kết
Thực tế, khiêm tốn và phô trương là vũ khí vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Sự khiêm tốn, tự tin và trung thực là các tính cách cần có ở mỗi người vì chúng bổ sung cho nhau. Chúng ta cần một ít khiêm tốn trong “sự tự kiêu” và một ít “tự kiêu” trong sự khiêm tốn. Quan trọng nhất, chúng ta cần biết cách cân bằng hai tính cách này sao cho vừa phải và thể hiện một cách hợp lý trong những hoàn cảnh khác nhau.