3 trường hợp cán bộ, công chức có thể được miễn trách nhiệm trong xử lý kỷ luật nếu có vi phạm
Đây là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sắp được trình Quốc hội tại chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tới đây.
Cụ thể, theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào ngày 7/5 tới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trước Quốc hội, thay mặt Thủ tướng Chính phủ.
Trước khi trình Quốc hội thảo luận, dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo Luật này thể chế hóa các chính sách thu hút, trọng dụng người tài trong công vụ, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời thúc đẩy cải cách công vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Đây là một bước quan trọng trong việc cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về công tác cán bộ và chế độ công vụ, nhằm xây dựng một nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ sự phát triển của đất nước và lợi ích nhân dân.

Dự thảo Luật quy định cơ chế đặc biệt của Nhà nước trong việc thu hút, trọng dụng người tài, với chính sách đãi ngộ và thu hút đối với các cán bộ làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, và tổ chức chính trị - xã hội. Kinh phí thực hiện chính sách này sẽ được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan quản lý cán bộ có quyền xác định các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn, quyết định thực hiện chính sách này tùy thuộc vào ngân sách và thẩm quyền của cơ quan quản lý.
Liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức, dự thảo nêu rõ rằng họ sẽ được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ, được bảo đảm đầy đủ trang thiết bị và điều kiện làm việc theo quy định pháp luật. Cán bộ, công chức cũng sẽ được đảm bảo các quyền lợi như nhà ở công vụ, đào tạo nâng cao trình độ, và được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.
Đặc biệt, theo Dự thảo Luật, Cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong xử lý kỷ luật với 3 trường hợp gồm: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp sai sót trong công tác, dự thảo quy định sẽ xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm tùy vào tình huống, theo quy định của Đảng và pháp luật. Cán bộ công chức có thể được miễn trách nhiệm kỷ luật trong một số trường hợp đặc biệt, bao gồm khi thực hiện quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo trước, hoặc hành vi được xác nhận là dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ và công chức vi phạm, bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, và xóa tư cách chức vụ, chức danh. Cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê duyệt giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. Đối với công chức, các hình thức kỷ luật bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, và xóa tư cách chức vụ.
Dự thảo cũng quy định thời hiệu xử lý kỷ luật, xác định khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật chính thức.
Bộ Nội vụ: Hai năm gần đây, tình trạng công chức nghỉ việc giảm mạnh
Bộ Nội vụ lên tiếng về thông tin 'liệt sĩ 6 tuổi ở địa đạo Củ Chi'