Người làm nghiên cứu khoa học được đề nghị miễn trách nhiệm dân sự, hình sự
Vấn đề này đã được các ĐBQH đưa ra bàn bạc trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội vào sáng nay.
Sáng 17/2, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề xuất cần mở rộng phạm vi miễn trừ trách nhiệm cho người làm nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng, bên cạnh việc miễn trách nhiệm dân sự, cần cân nhắc miễn cả trách nhiệm hình sự nếu cá nhân hoặc tổ chức nghiên cứu đã tuân thủ đầy đủ quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.

Theo dự thảo, tổ chức và cá nhân sẽ được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với điều kiện tuân thủ đầy đủ các quy định và quy trình nghiên cứu. Đồng thời, các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cũng không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng nếu đã thực hiện đúng quy trình và nội dung thuyết minh nhưng không đạt kết quả như dự kiến.
Ông dẫn Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó đã có quy định rõ về miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, theo ông, nếu chỉ miễn trách nhiệm dân sự mà không có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự, người làm khoa học vẫn có nguy cơ đối diện với nhiều rủi ro pháp lý.
Về trách nhiệm hình sự, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định và giao trách nhiệm cho Tòa án xem xét. Trước đây, khi xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, từng có đề xuất miễn trách nhiệm hình sự nhưng chưa được Tòa án chấp thuận.
Vì vậy, ông đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học nếu họ đã thực hiện đúng quy trình, tuân thủ đầy đủ thủ tục và tiêu chí khách quan. Ông nhấn mạnh: "Nếu không miễn, người nghiên cứu khoa học sẽ rất rủi ro. Cùng với miễn trách nhiệm dân sự, cần miễn trách nhiệm hình sự; cần nghiên cứu nội dung này. Đây là nghị quyết thí điểm nên đặt vấn đề và tạo nền quy định trong các luật tiếp theo".

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng ủng hộ quy định miễn trừ trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu không đạt dù đã tuân thủ đầy đủ quy trình. Tuy nhiên, ông đề nghị cần làm rõ khái niệm "đúng quy trình" để tránh tình trạng quy định quá cứng nhắc, khiến các nhà nghiên cứu e ngại triển khai công trình khoa học. Theo ông, cần sửa đổi theo hướng: "Khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí".
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề cập đến vấn đề miễn thuế thu nhập cá nhân. Theo dự thảo, kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, trong khi phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ chỉ được tính vào chi phí để trừ thuế cho doanh nghiệp, còn đơn vị nghiên cứu vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Ông cho rằng đây là quy định chưa hợp lý và đề nghị áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho tất cả đơn vị nghiên cứu khoa học, nhằm đảm bảo công bằng giữa những tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước và những tổ chức tự tìm kiếm nguồn tài trợ.
>> Một vị trí trong quân đội, công an đang được đề xuất mức lương 220 triệu đồng/tháng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: Cần tăng dần lương lên gấp đôi để người dân sinh thêm con
Đại biểu Quốc hội: ‘Tự nguyện’ cũng không được dạy thêm, thu tiền