Với tài năng, sức ảnh hưởng cùng những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc, bà được coi là một huyền thoại sống của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình có tên khai sinh là Nguyễn Thị Châu Sa. Bà sinh năm 1927 tại huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Bà có cha là ông Nguyễn Đồng Hợi, nguyên quán tại Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, mẹ là Phan Thị Châu Lan - con gái của cụ Phan Châu Trinh, một trong những chiến sĩ tiêu biểu của phong trào dân tộc, dân chủ vào khoảng đầu thế kỷ XX tại Việt Nam.
Cuối năm 1968, bà Nguyễn Thị Bình được chỉ thị tham gia cuộc đàm phán ở Paris. Đây được xem là một trong những trọng trách quốc gia vô cùng đặc biệt khi phải ký kết được hiệp định để hướng đến chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Tổ quốc. Bà Bình như được ‘chọn mặt gửi vàng’, nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của Chính phủ nhờ tài năng ngoại giao sắc bén.
Người phụ nữ duy nhất ký Hiệp định Paris
Vào năm 1969, ngay sau khi Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, nhờ vào khả năng hùng biện cùng một lý lịch trong sạch và trình độ ngoại ngữ loại giỏi cũng như kinh nghiệm hoạt động chính trị nhiều năm, bà Bình đã ngay lập tức được bầu làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Sau đó, bà đến Paris đảm nhận lại chức vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời. Với trí thông minh vượt trội và khả năng hùng biện vô cùng sắc bén, bà Nguyễn Thị Bình trở nên nổi tiếng trong các cuộc họp báo trong suốt khoảng thời gian 1968 - 1972. “Nếu mình là phụ nữ biết ứng xử khôn khéo thì người ta cũng dễ có tình cảm hơn, sẽ nghe những điều mình muốn nói về lập trường của mình” - bà cho hay.
Trên bàn đàm phán tại Hiệp định Paris năm 1973, bà là đại diện cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng chính là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký kết vào Hiệp định. Đối với nhà ngoại giao xuất sắc của thế kỷ 20 này, đây là một điều rất thiêng liêng.
Trong hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" bà viết: “Tôi được thay mặt nhân dân miền Nam ký vào một văn kiện lịch sử. Kết quả của Hiệp định là bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí. Lúc ấy tôi nghĩ đến những người thân quen đã đi xa không được chứng kiến những giờ phút lịch sử này... Xúc động trào nước mắt. Cảm xúc ấy đi cùng tôi suốt cuộc đời”.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Bình cũng là nữ bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam. Dáng vẻ của một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn tham gia vào cuộc đàm phán căng thẳng nhưng bà Bình không tỏ ra lép vế trước bất kỳ người đàn ông nào. Trái lại, với vẻ bình tĩnh, bản lĩnh, gan dạ, bà liên tục đưa ra nhiều lập luận sắc bén để bảo vệ cho quan điểm của mình. Cũng chính bởi vậy, trong suốt 5 năm đàm phán tại Paris, bà luôn được giới truyền thông săn đón và đặt cho biệt hiệu Madame Bình.
Nhận được sự tín nhiệm đặc biệt của nhân dân
Sau thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987). Trong giai đoạn từ năm 1987-1992, bà được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Bên cạnh đó, bà từng giữa các chức vụ quan trọng trong Đảng như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V (03/1982-1986), Đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá X (1976-2002).
Tháng 9/1992 bà được bầu làm phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và được bầu lại vào chức vụ này tháng 9/1997.
Cũng chính bởi vậy, bà Bình là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ quốc gia sau bà Nguyễn Thị Định - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Với những thành tựu cùng đóng góp to lớn cho đất nước, bà được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngoài những hoạt động ngoại giao, bà Nguyễn Thị Bình còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2002, bà trở thành người đứng đầu của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Năm 2003, bà đã đứng lên thành lập và giữ vai trò Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam. Bên cạnh đó, bà cũng là người đầu tiên giữ chức Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khi hội này được thành lập vào tháng 1/2004.
Trong kí ức của nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam và những người may mắn có cơ hội được trực tiếp tiếp xúc và làm việc với bà Nguyễn Thị Bình, họ cho biết bà là người chân thành, gần gũi, luôn tôn trọng quan điểm của người khác, thẳng thắn trao đổi các vấn đề một cách rõ ràng. Bà không hề phân biệt chức vụ, giới tính, luôn giữ được hình ảnh bình dị, thân thiện, chất phác, cởi mở, nhẹ nhàng đặc trưng của người phụ nữ Việt.
Nguồn tham khảo:
- Bảo tàng Đà Nẵng, Nguyễn Thị Bình - Những dấu son sự nghiệp
- Báo Quảng Nam, Có một "Madam Bình" ở Paris!