Người Việt 'đốt' hàng tỷ USD mỗi năm vào cá cược, nhiều nhất là cá độ bóng đá
Căn cứ vào số lượng casino và số người tham gia, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong Top 20 quốc gia ở châu Á về hoạt động cờ bạc.
Chia sẻ tại hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức chiều 28/11, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, doanh số các trò chơi và hoạt động cá cược trên toàn cầu hiện nay đạt khoảng 70 tỷ USD.
Con số này được dự báo sẽ tăng lên 141 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng 11,5% mỗi năm.
Căn cứ vào số lượng casino và số người tham gia, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong Top 20 quốc gia ở châu Á về hoạt động cờ bạc.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ quan điểm tại hội thảo. Nguồn: Nhà Đầu tư |
>> Đường dây cá độ bóng đá 2.000 tỷ vừa bị phá: Dùng 1 tài khoản cấp siêu tổng Super Master
Việt Nam đang thiếu các thông tin và số liệu đầy đủ để phân tích, nhưng theo đánh giá của một công ty nghiên cứu tại Anh, doanh thu từ hoạt động cá cược của Việt Nam ở khoảng 3-5% GDP, bao gồm cả chính thức và không chính thức.
Ông Hoàng Ngọc Nhất, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiên Phúc, chia sẻ rằng theo tính toán của các nghiên cứu trong và ngoài nước, mỗi năm có ít nhất 5-6 tỷ USD và có thể lên đến 9-10 tỷ USD được tiêu tốn vào các hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, trong đó nhiều nhất là cá độ bóng đá. Tuy nhiên, phần lớn lượng tiền này lại "chảy" ra nước ngoài.
"Có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn được đầu tư dự án, nhất là đặt cược bóng đá. Nhưng khi tiếp cận các quy định của Nghị định 06 họ thấy có nhiều vướng mắc pháp lý, có những điều bất hợp lý, khó làm và nếu có làm thì chắc chắn thua lỗ", ông Nhất nói.
Ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế tại Việt Nam chính là vấn đề pháp lý. Các quy định hiện tại vẫn còn rất chặt chẽ, khiến lĩnh vực này không phát triển được từ năm 2017 cho đến nay.
Về việc sửa đổi Nghị định 06, ông Lực nhấn mạnh: "7-8 năm qua không làm gì, rõ ràng quản lý rất chặt, cho thí điểm nhưng không cho thành lập thì thí điểm cũng trở nên vô nghĩa. Cần sửa đổi ngay và nên cho thí điểm trong 3 năm từ 2025-2028, sau đó đánh giá tổng kết và quyết định cho chính thức nhân rộng, thu hẹp hay đi ngang".