Nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng nhưng vì sao người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận?
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội được Hà Nội cập nhật danh mục xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều dự án được cấp phép xây dựng, khởi công dự kiến bung hàng trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều quan điểm vẫn cho rằng dù nguồn cung gia tăng nhưng người thu nhập thấp vẫn khó có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội sẽ được bung hàng trong năm 2025
Giữa tháng 1/2025, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt cập nhật danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, trong số 72 dự án mới được phê duyệt có 8 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn 255.722 m2 với 1.583 căn hộ.
Trong đó, riêng trên địa bàn huyện Thường Tín có tới 5 dự án nhà ở xã hội, quận Long Biên (2 dự án) và quận Hoàng Mai (1 dự án).
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội sẽ được bung hàng trong năm 2025. Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín sẽ có 3 dự án nhà ở xã hội, gồm: dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.20 với 35 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.21 với 24 căn hộ và dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.22 gồm 20 căn hộ.
Tại thị trấn huyện Thường Tín có 2 dự án gồm: dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.21 có 54 căn hộ và dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.21 có 54 căn hộ.
Tại quận Hoàng Mai sẽ có dự án nhà ở xã hội ngõ 218 Lĩnh Nam với 500 căn hộ. Tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán cho cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước, tại ô đất ký hiệu A.4/HH4 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị N10 với 452 căn hộ.
Ngoài ra, quận Long Biên còn có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô quy hoạch A4/HH5 tại phường Ngọc Thuỵ và Thượng Thanh gồm 450 căn hộ và có tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2024, thị trường nhà ở xã hội tại Hà Nội liên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội được khởi công, cấp phép xây dựng. Cụ thể, đầu tháng 12/2024, dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1, khu đô thị Hạ Đình (tên thương mại Udic Eco Tower) cũng bắt đầu thi công sau thời gian dài chuẩn bị thủ tục. Công trình dự kiến được thi công trong 30 tháng.
Cũng trong tháng 12 năm ngoái, dự án khu nhà ở xã hội tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng được khởi công. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 15.000 m2, với 4 khối nhà cao 9 tầng, cung cấp khoảng 466 căn hộ. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10/2026.
Cùng trên địa bàn huyện Đông Anh, liên danh chủ đầu tư Handico và Viglacera dự kiến khởi công công trình CT3 thuộc dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 - Khu đô thị mới Kim Chung vào đầu năm 2025.
Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận
Về vấn đề tiếp cận nhà ở xã hội của người thu nhập thấp, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dù Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các địa phương đã tăng tốc thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội trên cả nước nhưng thời gian qua số lượng dự án nhà ở xã hội triển khai, mở bán ở các đô thị vẫn ở mức khiêm tốn.
“Rõ ràng, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương quyết liệt vào cuộc, gỡ khó cho nhà ở xã hội nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục có sự điều chỉnh. Đơn cử như tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội còn khắt khe, quá trình xét duyệt còn phức tạp và việc xác minh các điều kiện, đặc biệt là thu nhập còn “tắc”.
Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận. |
Một số trường hợp chuyển nhượng trái phép hoặc mua đi bán lại bởi các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, làm giảm cơ hội tiếp cận của người có nhu cầu thực sự”, bà Miền đánh giá.
Đối với người dân, bà Miền cho rằng còn nhiều khó khăn để người dân tiếp cận nhà ở xã hội do gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Lãi suất vay tăng cao và thời gian vay ngắn. Giá mua nhà ở xã hội thực tế vẫn vượt khả năng chi trả của nhiều người, trong khi giá thuê quá cao.
Còn đối với các chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia làm nhà ở xã hội, nhưng quy trình thủ tục, pháp lý thực tế còn phức tạp. Doanh nghiệp cũng không "mặn mà" làm khi giá bán và lợi nhuận bị khống chế quá thấp trong khi chi phí phát triển (đất, xây dựng, lãi vay…) liên tục tăng.
"Nguồn cung nhà ở thương mại trong năm 2025 đã có nhiều cải thiện, góp phần giải "cơn khát" nguồn cung. Thế nhưng vấn đề là các dự án dự kiến sẽ ra hàng thời gian tới vẫn chủ yếu là phân khúc chung cư cao cấp, hạng sang. Sự mất cân đối cung cầu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Người dân có thu nhập trung bình và thấp sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhà ở. Tăng cường phát triển nhà ở bình dân và nhà ở xã hội là một trong những giải pháp cấp thiết. Tôi cho rằng, Chính phủ có thể xem xét các chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho các chủ đầu tư, như "rót" thêm vốn vay ưu đãi, miễn giảm thuế đất, thuế VAT... nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này", bà Miền nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 nhận định nhà ở xã hội sẽ là xu hướng trong năm 2025 và nhiều năm tới. Lý do là chung cư thương mại tại Hà Nội vào tháng 10/2024 đã đạt đỉnh giá và đạt đỉnh giao dịch. Tuy nhiên, giá chung cư tại Hà Nội từ đó đến nay cũng có dấu hiệu chững lại, lượng giao dịch cũng giảm.
Về vấn đề giá, ông Quê dự báo giá bán chung cư nhà ở xã hội tại Hà Nội sẽ dao động từ 17 đến 22 triệu đồng/m2, còn giá chung cư nhà ở xã hội nói chung trên cả nước sẽ dao động từ 12 đến 22 triệu đồng/m2.
“Sẽ không còn câu chuyện giá cao nhất là 19,5 triệu đồng như hồi năm 2021, bởi chi phí về đầu tư xây dựng không ngừng tăng lên do lạm phát, điều này kéo theo giá phê duyệt cũng sẽ tăng lên, tuy nhiên nếu so với giá chung cư thương mại thì vẫn còn 'dễ thở' hơn”, ông Quê nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn G6 nhìn nhận người thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận được với nhà ở xã hội. Bởi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người lao động độc thân có thu nhập hàng tháng không quá 15 triệu đồng. Với người đã kết hôn, vợ chồng có thu nhập dưới 30 triệu đồng. Do đó, thu nhập 15 triệu đồng/tháng được xếp vào nhóm thu nhập khá vì thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội chỉ đang ở mức 7 triệu đồng/tháng.
“Nếu chiếu theo thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung và chi phí phải bỏ ra mua chung cư nhà ở xã hội thì chỉ có người thu nhập khá mới tiếp cận được”, ông Quê cho hay.
Cử tri lo lắng về giá nhà ở xã hội vẫn cao, Bộ Xây dựng nói gì?
Đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, tạo đà phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản