Ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản.
Năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%.
Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Qua đánh giá chung, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản.
Trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, NHNN chi nhánh TP HCM sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: Bám sát định hướng chỉ thị của NHNN về các giải pháp, nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, NHNN cũng giao cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố 25 nhóm nhiệm vụ cụ thể; đồng thời hỗ trợ tốt cho DN nói chung và tạo ra bước đột phá như chủ đề của tọa đàm của Báo Người Lao Động.
Đồng thời, ngành ngân hàng tại TP HCM cũng sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân…
Các tổ chức tín dụng được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 22 nhóm của NHNN giao, trong đó có bảo đảm khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; kiểm soát cơ cấu huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển như định hướng.
Tuy vậy, theo ông Lệnh, cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều phải phải tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, trong đó gồm cả doanh nghiệp bất động sản thông qua việc triển khai những dự án hiệu quả; các dự án nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở cho thuê…
Với những định hướng này và cùng với kinh nghiệm thực tiễn gói 30.000 tỉ đồng trong quá khứ kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Dù vậy, ông Lệnh cũng cho hay, đối với tín dụng bất động sản là vốn trung dài hạn, còn bản chất của hoạt động NH thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Do đó, với cơ cấu tín dụng như trên, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn. "Vì vậy, cùng với vốn tín dụng ngân hàng, chúng tôi cho rằng các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu DN cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ DN và nền kinh tế", ông Lệnh chia sẻ.