Trong phiên giao dịch đầu tuần, nhà đầu tư cá nhân bất ngờ đảo chiều bán ròng 328 tỷ đồng trên toàn thị trường với lực bán chia đều ở các nhóm ngành. Tâm điểm bán ròng phiên này là loạt bluechips như HPG, VND, SSI,....
Phía mua ròng trong phiên có sự góp mặt của các tổ chức trong nước và nhóm tự doanh công ty chứng khoán. Theo đó, hai nhóm này lần lượt mua ròng 397 tỷ đồng và 102 tỷ đồng chủ yếu qua khớp lệnh.
Tính riêng kênh khớp lệnh sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân bán ròng tại 13/18 ngành với giao dịch đảo chiều tại chiều nhóm cổ phiếu đã được mua ròng trong những phiên trước đó.
Về giá trị cụ thể, các cá nhân trong nước đẩy mạnh chốt lời tại nhóm dịch vụ tài chính (143 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (133 tỷ đồng), dẫn đầu về giá trị bán ròng trong phiên. Theo sau, nhóm thực phẩm và đồ uống cũng bất ngờ bị chốt lời 79 tỷ đồng mặc dù được gom ròng hơn 115 tỷ đồng trong phiên cuối tuần trước.
Ở chiều ngược lại, giao dịch mua ròng chủ yếu vẫn được ghi nhận ở nhóm bất động sản với giá trị 297 tỷ đồng. Tuy vậy, so với phiên cuối tuần trước, giao dịch có phần "hạ nhiệt" khi quy mô giải ngân đã thu hẹp hơn 70%.
Nối tiếp, dòng tiền cá nhân tìm đến một số cổ phiếu nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp (79,2 tỷ đồng), theo sau mua ròng nhẹ hơn các nhóm xây dựng và vật liệu, bảo hiểm,...
Xét giao dịch theo từng mã, áp lực chốt lời xuất hiện phần lớn tại danh mục VN30 khi có tới 8 cái tên trong nhóm này nằm trong top 10 cổ phiếu bị nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất.
Dẫn đầu tại chiều bán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát thu hút gần 135 tỷ đồng giá trị rút ròng. Đối ứng với các cá nhân, tổ chức trong nước là bên mua gom cổ phiếu HPG duy nhất trên thị trường với quy mô hơn 200 tỷ đồng.
Nối tiếp, hai ông lớn trong lĩnh vực môi giới chứng khoán là VND (VNDirect) và SSI (Chứng khoán SSI) lần lượt bị rút ròng 101 tỷ đồng và 87,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu VND đã liên tục tăng điểm sau khi chuyển niêm yết về lại sàn HOSE từ ngày 6/9. Theo đó, mã này đã tăng gần 7% sau tuần giao dịch đầu tiên, tiếp tục đóng cửa phiên 13/9 trong sắc xanh với 54.100 đồng/cp.
Dòng tiền cá nhân theo sau rút ròng khỏi các mã TPB (70,9 tỷ đồng), VNM (55,1 tỷ đồng), CPB (53,3 tỷ đồng)...Đáng chú ý, mặc dù là một trong những cổ phiếu đi ngược thị trường mạnh mẽ nhất trong phiên 13/9, cổ phiếu SAB của Sabeco cũng bị rút ròng hơn 66 tỷ đồng.
Trở lại chiều mua, cổ phiếu VHM của Vinhomes vẫn là tâm điểm thu hút gần 275 tỷ đồng mua ròng ngay trước ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2020. Đây cũng là mã duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên.
Nối tiếp giao dịch tại VHM, các cá nhân trong nước rót vốn ròng với quy mô dưới 60 tỷ đông vào các cổ phiếu NVL, SSB, MSN, GEX, HCM...
KQKD nhóm công ty chứng khoán quý 2/2023: Dòng tiền tự doanh, margin tăng mạnh
2 tháng sau chỉ đạo của UBCKNN, tự doanh chứng khoán mua bán thế nào?