Trung tuần tháng 5/2022 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi công văn đến Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), HOSE và HNX yêu cầu công bố thông tin đối với giao dịch tự doanh chứng khoán trước ngày 23/5/2022.
Từ ngày 1/3/2022, việc thông tin giao dịch tự doanh tại các công ty chứng khoán đã bị tạm dừng do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) ngừng cung cấp dịch vụ. Theo đó, những thông tin về giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán sẽ được cộng gộp vào dữ liệu giao dịch của các tổ chức trong nước.
Trước diễn biến trên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ thất vọng. "Muốn thị trường chứng khoán minh bạch thì càng nhiều thông tin công khai càng tốt", một nhà đầu tư cho biết.
Hiện nay bên cạnh các dữ liệu về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, dữ liệu về hoạt động giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán cũng trở thành mối quan tâm lớn của không ít nhà đầu tư.
Trên thực tế, hoạt động tự doanh là "nồi cơm" ngon và mang lại khoản tiền lời không nhỏ cho nhiều công ty chứng khoán trong thời gian qua. Trong khi đó, công ty chứng khoán vừa là bên cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư, được tiếp cận trước nhiều thông tin quan trọng đồng thời cũng vừa mua bán cổ phiếu trực tiếp trên sàn chứng khoán, "cạnh tranh" trực tiếp với chính các khách hàng của mình.
Trong đợt giảm sốc của thị trường từ tháng 4/2022 đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư bị các công ty chứng khoán force sell cổ phiếu (bán giải chấp) vì chạm ngưỡng vay dẫn đến mất trắng hoặc "cháy" tài khoản.
Trong khi đó, việc cổ phiếu nào nào sẽ bị bán, cổ phiếu nào nào cho vay nhiều và tỉ lệ vay của các tài khoản bao nhiêu, bộ phận quản lý tài khoản của các công ty chứng khoán đều nắm rõ. Điều này khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn về sự liên hệ giữa việc không công bố dữ liệu giao dịch tự doanh và bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán biết thông tin này để chủ động giao dịch nhằm kiếm lợi nhuận? Tại sao nhà đầu tư mua số lượng lớn hay việc cổ đông chiến lược đều phải công bố thông tin nhưng các công ty chứng khoán lại không phải công bố thông tin này?
Theo đó, để hạn chế, ngăn ngừa, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã quy định công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản của khách hàng. Tuy nhiên, việc kiểm soát để công ty chứng khoán thực hiện nghĩa vụ "ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản của khách hàng" lại không hề dễ dàng!
Đến trung tuần tháng 5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi công văn đến Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), HOSE và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) yêu cầu công bố thông tin đối với giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán trước ngày 23/5/2022.
Theo đó, các Sở thực hiện công bố thông tin cuối ngày giao dịch về tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch mua, bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán.
Theo thống kê, từ ngày 23/5 đến 15/7/2022, sau gần 2 tháng thực hiện công bố thông tin giao dịch, nhóm tự doanh công ty chứng khoán đã có 5 tuần mua (tổng giá trị 2.26x tỷ đồng) và 4 tuần bán ròng (1.99x tỷ đồng). Lũy kế, tự doanh chứng khoán đã mua ròng khoảng 270 tỷ đồng.
Trong thời gian này, hoạt động khối tự doanh vẫn diễn ra mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm phòng thủ và bán lẻ như PNJ, MWG, FPT, REE,...
Trong năm 2021, ước tính khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng xấp xỉ 1.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu (loại trừ việc bán ròng các chứng chỉ quỹ).