Nhà đầu tư 'nín thở' chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ
Chứng khoán Mirae Asset dự báo, diễn biến bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tác động đáng kể đến VN-Index trong ngắn hạn.
Phiên chiều: Thanh khoản cạn kiệt, thị trường chờ tin
Trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, VN-Index dao động trong biên độ hẹp suốt cả phiên. Chỉ số kết thúc tại 1.245,76 điểm, tăng 1,05 điểm (+0,08%). Cung và cầu đều thiếu hụt, khiến thanh khoản giảm về vùng thấp nhất trong năm, với khối lượng đạt 415,5 triệu đơn vị, bằng 65% so với trung bình 20 phiên. Giá trị tương ứng là 10.957 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 187 mã tăng, 169 mã giảm và 82 mã đứng giá.
Cổ phiếu DXG dẫn đầu thanh khoản với 18,7 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo là VHM, DIG, VPB. Cổ phiếu tác động mạnh nhất đến VN-Index là HVN (+5,56%) theo chiều tích cực và CTG (-1,82%) theo chiều tiêu cực.
Khối ngoại gia tăng bán ròng lên 894 tỷ đồng, tập trung bán MSN (169 tỷ đồng), VHM (116 tỷ đồng), MWG (86 tỷ đồng)... Một số cổ phiếu ngân hàng được nhóm này mua ròng là TCB (67 tỷ đồng), VPB (32 tỷ đồng).
Phiên sáng: Thị trường dao động biên độ hẹp
11h30: VN-Index dao động trong biên độ hẹp quanh mức 1.243 - 1.247 điểm trong suốt phiên sáng và dừng tại 1.244,31 điểm, giảm 0,4 điểm. Thanh khoản giảm rất thấp, chỉ đạt 188 triệu đơn vị, bằng 58% so với phiên liền trước, giá trị giao dịch tương ứng 4.534 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 317 tỷ đồng, tập trung bán MSN (71 tỷ đồng), VHM (30 tỷ đồng), FPT (29 tỷ đồng)... Trước đó, nhóm này đã có 8 phiên bán ròng liên tiếp với quy mô gần 9.000 tỷ đồng.
Về diễn biến dòng tiền, các nhóm ngành biến động quanh tham chiếu, trong đó một số nhóm lớn như: ngân hàng (-0,08%), bất động sản (+0,1%), chứng khoán (+0,01)... Nhìn chung, tâm lý chờ đợi các sự kiện vĩ mô lớn vẫn đang hiện hữu.
9h45: Trong phiên sáng ngày 5/11, đà giảm của VN-Index đã được chững lại. Chỉ số dao động trong khoảng 1.244 - 1.247 điểm trong suốt 45 phút đầu phiên, tương ứng mức tăng dưới 3 điểm. Thanh khoản đạt 64,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.367 tỷ đồng, tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Dòng tiền tỏ ra thận trọng khi chưa tìm đến một nhóm ngành nào cụ thể. Nhiều cổ phiếu ghi nhận sự phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày điều chỉnh. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 159 mã tăng, 121 mã giảm và 81 mã tham chiếu.
Nhà đầu tư dường như đang "nín thở" trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào hôm nay. Hai ứng viên: Phó Tổng thống Kamala Harris (đảng Dân Chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng Hòa) có nhiều sự khác biệt trong chính sách nhưng đều tập trung chủ yếu vào các vấn đề: thuế, lạm phát, thương mại Mỹ - Trung, người nhập cư, luật về nạn phá thai, chiến tranh tại Ukraine và môi trường... Nhìn chung, bà Kamala Harris theo đuổi thương mại tự do, chú trọng hợp tác quốc tế và duy trì nhiều chính sách dưới thời ông Biden. Trong khi đó, ông Donald Trump ủng hộ thương mại song phương, tập trung bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
Nguồn: Mirae Asset |
Dựa trên số liệu thống kê lịch sử từ 20 cuộc bầu cử tổng thống gần nhất (từ năm 1944 đến 2020), diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ có sự phân hóa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau ngày kết thúc bầu cử. Cụ thể, khi đảng Dân chủ đắc cử, chỉ số S&P 500 trung bình tăng 3,8% sau 3 tháng, tăng 8% sau 6 tháng và tăng 17% sau 1 năm. Khi đảng Cộng hòa đắc cử, chỉ số S&P 500 chỉ tăng 0,37% sau T+10, tăng 1,52% sau 1 tháng, và tăng 2,17% sau 3 tháng; nhưng chỉ tăng 1,59% sau nửa năm và 0,83% sau 1 năm.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nói chung không tạo ra nhiều tác động. Tuy nhiên, theo những thống kê trước đây, VN-Index luôn đi cùng chiều với S&P 500. Do đó, diễn biến của chứng khoán Mỹ dự báo sẽ tác động đáng kể đến VN-Index trong ngắn hạn.
>> Hiệu ứng pre-funding, một cổ phiếu chứng khoán Top đầu được kỳ vọng bứt phá