Nhà máy điện mặt trời Việt Nam từng lập kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á: Rộng gần bằng một quận, công suất gần 1 tỷ kWh điện/năm, vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng
Đây là công trình hoành tráng, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Nhắc đến nhà máy điện mặt trời từng lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á, có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến nhà máy Dầu Tiếng. Tọa lạc trên diện tích 7,2km2 tại Tây Ninh, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, với tổng mức đầu tư lên tới 12.600 tỷ đồng, là một trong những dự án năng lượng tái tạo lớn nhất nước ta. Với cấu trúc gồm 3 nhà máy thành phần là Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3, công trình này góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường.
Công trình này được xây dựng trên diện tích đất rộng ngang Quận 1, TP. HCM. Điều này cho thấy rõ sự hoành tráng cũng như đầu tư của dự án. Khởi công vào năm 2018 và hoàn thành chỉ trong vòng 1 năm, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng với công suất lắp đặt 570MW đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình. Với hệ thống "rừng pin" hiện đại, nhà máy Dầu Tiếng đã chuyển đổi thành công ánh sáng mặt trời thành nguồn điện năng khổng lồ, cung cấp gần 1 tỷ kWh điện mỗi năm, tương đương với nhu cầu tiêu thụ điện của gần 1 triệu hộ gia đình Việt Nam trong vòng 1 năm nếu như bình quân mỗi tháng dùng hết 80 số.
Riêng dự án Dầu Tiếng 1 và dự án Dầu Tiếng 2 có tổng cộng 1,3 triệu tấm pin mặt trời được cố định trên gần 200.000 cọc bê tông trải dài ven bờ hồ và khu đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Để gắn các tấm pin mặt trời lên cọc, phía nhà thầu đã sử dụng các thùng phuy kết thành bè và làm giàn giáo nổi. Những ngày đầu thi công do chưa quen với phương pháp này, nhiều công nhân bị say sóng, không ít người đã té nhào xuống nước khi đang làm việc trong điều kiện bồng bềnh trên mặt nước.
Hồ Dầu Tiếng là nơi xây dựng công trình nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng. Với diện tích mặt nước 27km2 và dung tích chứa 1,6 tỷ m3, đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam, cung cấp nước cho hơn 170km2 đất nông nghiệp của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP. HCM, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng không chỉ là một công trình năng lượng mà còn là một biểu tượng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự án này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu điện năng ngày càng tăng, tạo ra nhiều việc làm, và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, nhà máy còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo.
Việc xây dựng nhà máy trên hồ Dầu Tiếng đã chứng minh khả năng tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và hệ sinh thái. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực năng lượng sạch và phát triển bền vững.
>> Nhà máy điện 1,4 tỷ USD ở tỉnh giàu thứ 2 Việt Nam chính thức có hợp đồng mua bán điện