Thế giới

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì nước Đức lâm nguy, hơn 1.000 người sắp mất việc vì thiếu dầu Nga

Thanh Lê 05/07/2025 - 09:06

Thị trưởng Annekathrin Hoppe của thị trấn Schwedt (Đức) đang cố gắng cứu lấy 'trái tim kinh tế' của cộng đồng – một nhà máy lọc dầu từng phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Và bà cho rằng, để giữ công ăn việc làm, có thể phải nhượng bộ và quay lại với dầu Nga.

Trong 6 thập kỷ qua, nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt, một thị trấn nhỏ với 30.000 dân ở miền Đông nước Đức, chính là động mạch kinh tế của khu vực. Khoảng 20% dân số thị trấn này làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ nhà máy – nơi từng gắn liền với dòng dầu chảy qua đường ống Druzhba (“Tình hữu nghị”) từ Nga.

Thế nhưng, từ cuối năm 2022, sau khi EU áp lệnh cấm vận dầu Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, dòng chảy ấy chững lại. Nhà máy mất nguồn cung chủ lực, hoạt động suy giảm, và nguy cơ mất việc đang lơ lửng trên đầu hàng nghìn người dân.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì nước Đức lâm nguy, hơn 1.000 người sắp mất việc vì thiếu dầu Nga - ảnh 1
Sau khi chiến tranh nổ ra, Berlin đã đặt nhà máy lọc dầu dưới sự ủy thác tạm thời, tịch thu cổ phần đa số của công ty Nga Rosneft

“Nhà máy lọc dầu là lý do thị trấn này tồn tại”, Thị trưởng Hoppe nói, từng là nhân viên của nhà máy trước khi bước vào chính trường. “Việc chấm dứt nguồn dầu Nga là một thực tế quá khó chấp nhận với người dân nơi đây”.

Bài toán dầu Nga và nguy cơ chính trị lan rộng

Câu chuyện của Schwedt không còn là trường hợp cá biệt. Trên khắp châu Âu, ngày càng có nhiều tiếng nói – từ các chính trị gia địa phương đến các lãnh đạo ngành năng lượng – kêu gọi xem xét lại lập trường cứng rắn với Nga, đặc biệt nếu đạt được lệnh ngừng bắn tại Ukraine.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì nước Đức lâm nguy, hơn 1.000 người sắp mất việc vì thiếu dầu Nga - ảnh 2

Tuy nhiên, những trở ngại về pháp lý và chính trị vẫn hiện hữu. Berlin, Brussels và các thủ đô khác vẫn quyết tâm giảm phụ thuộc vào Nga. Song các nhà phân tích cảnh báo: nếu chiến sự hạ nhiệt và giá năng lượng tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế, làn sóng đòi hỏi quay lại với nguồn dầu khí giá rẻ từ Nga có thể lan rộng.

“Lần đầu tiên sau nhiều năm, khả năng khôi phục nguồn cung từ Nga trở lại đã trở thành điều có thể bàn đến”, theo chuyên gia Jonathan Stern thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford.

Sau khi Đức tịch thu phần lớn cổ phần của Rosneft tại nhà máy Schwedt và đặt cơ sở này dưới quyền quản lý tạm thời, vấn đề pháp lý trở nên phức tạp. Mặc dù về lý thuyết, khôi phục dòng dầu Nga chỉ cần thay đổi một vài hợp đồng, nhưng trên thực tế lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chính trị.

Ba điều kiện bắt buộc phải có: EU phải dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu Nga, Ba Lan đồng ý cho dầu Nga đi qua hệ thống đường ống của họ, và chính phủ Đức buộc Rosneft bán lại cổ phần cho các bên sẵn sàng tiếp quản.

Không chỉ Schwedt, các tuyến đường ống Nord Stream dưới đáy biển Baltic – từng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức – cũng đang được nhắc đến. Dù bị phá hoại năm 2022, nhưng một số chính trị gia Đức vẫn để ngỏ khả năng khôi phục. “Nếu có ý chí chính trị, việc phê duyệt có thể hoàn tất trong một đêm,” Stern khẳng định.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì nước Đức lâm nguy, hơn 1.000 người sắp mất việc vì thiếu dầu Nga - ảnh 3
Những người biểu tình, bao gồm cả công nhân từ nhà máy lọc dầu PCK gần đó, yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga

Một con đường khác là tuyến ống dẫn khí qua Ukraine – từng chiếm một nửa lượng xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu – nhưng đã ngừng hoạt động sau khi thỏa thuận quá cảnh hết hiệu lực vào tháng 1/2025. Nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn, dòng khí có thể được nối lại, ít nhất là về mặt kỹ thuật.

Hiện tại, nhà máy lọc dầu Schwedt chỉ hoạt động 80% công suất, dựa vào nguồn dầu từ cảng Gdańsk (Ba Lan), đường ống từ Rostock (Đức) và nguồn cung từ Kazakhstan. Cơ sở này cung cấp hơn 90% lượng dầu cho thủ đô Berlin, sân bay quốc tế và hàng loạt doanh nghiệp từ nhà máy giấy đến đơn vị xử lý hóa dầu – nên bất kỳ gián đoạn nào cũng tạo áp lực lớn lên chuỗi cung ứng năng lượng khu vực.

“Dầu Nga có thể giúp cứu được nhà máy, và quan trọng là không cần đầu tư gì thêm,” ông Danny Ruthenberg – Chủ tịch hội đồng lao động nhà máy – nói. “Nếu có hòa bình, thì việc giao thương với Nga là điều đương nhiên.”

Còn bà Hoppe, dù nhấn mạnh mong muốn nhà máy thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga, cũng thừa nhận: nếu EU và chính phủ Đức không giải ngân các khoản đầu tư đã cam kết – bao gồm 400 triệu euro để nâng cấp đường ống Rostock – thì Schwedt sẽ “không còn lựa chọn nào khác.”

Ông Trump và sự chia rẽ của châu Âu

Đang có một nhân tố ngoại vi khiến Brussels lo ngại: Donald Trump.

Tổng thống Mỹ cam kết sẽ chấm dứt chiến sự Ukraine chỉ trong “24 giờ” và từng tuyên bố “muốn thúc đẩy thương mại lớn với Nga sau khi chiến tranh kết thúc.” Theo một số nguồn tin, các nhà đầu tư Mỹ đang thương lượng mua lại phần cổ phần của Rosneft tại Schwedt – động thái có thể khiến Mỹ nắm quyền kiểm soát cơ sở lọc dầu chiến lược này.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì nước Đức lâm nguy, hơn 1.000 người sắp mất việc vì thiếu dầu Nga - ảnh 4

“Trong một kịch bản mà Nga ký hòa bình với phương Tây và đặc biệt là với Ukraine, thì Schwedt sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết,” chuyên gia Clayton Seigle từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Washington) nhận định.

Về phần người dân địa phương, họ dường như không phản đối. “Người Mỹ là bạn của chúng ta. Nếu họ đầu tư, thì nhà máy sẽ không còn bị đình trệ nữa”, Ruthenberg nói.

Ngay cả với cái tên Trump gắn vào, Hoppe cũng tỏ ra hài hước: “Trump chỉ là tạm thời thôi. Chúng tôi hy vọng vậy”.

Trong khi Đức còn đang cân nhắc, nhiều nước Đông Âu như Áo, Slovakia, Hungary và Bulgaria cũng đang giữ thế “mở cửa” với năng lượng Nga. Giới ngoại giao lo ngại rằng nếu Berlin quay xe, hiệu ứng domino sẽ lan rộng trong nội khối.

Dù Ủy ban châu Âu tuyên bố đang thúc đẩy kế hoạch loại bỏ khí đốt Nga vào năm 2027, nhưng thực tế cho thấy các khoản hỗ trợ tài chính chưa đến được với những quốc gia phụ thuộc nặng như Slovakia hay Hungary. Tại Schwedt, khoản hỗ trợ từ EU vẫn chưa thành hiện thực – và điều đó có thể thay đổi cục diện.

Schwedt không chỉ là một thị trấn nhỏ bên bìa rừng. Nó giờ trở thành điểm nóng của một cuộc tranh luận lớn hơn – về sự độc lập năng lượng, chính trị đối ngoại, và bản sắc của châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giữa áp lực kinh tế, bất mãn xã hội ở miền Đông, và sự trỗi dậy của các đảng phái thân Nga, những tính toán địa chính trị không còn là chuyện xa vời.

Sự sống còn của một nhà máy lọc dầu – tưởng như là chuyện nội bộ của một thị trấn nhỏ – có thể là mảnh ghép quyết định trong bàn cờ chiến lược hậu xung đột Nga – Ukraine.

Theo Politico

>> Láng giềng Việt Nam chế tạo thiết bị ‘hứng mưa là có điện’: Hiệu suất cao gấp 5 lần công nghệ cũ, 1 mét vuông có thể phát ra 200W điện

Đức sở hữu 3.352 tấn vàng, vì sao gần một nửa ở nước ngoài chưa thể hồi hương?

Đức cáo buộc DeepSeek chuyển dữ liệu người dùng về Trung Quốc, kêu gọi chặn trên toàn EU

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nha-may-loc-dau-lon-nhat-nhi-nuoc-duc-lam-nguy-hon-1000-nguoi-sap-mat-viec-vi-thieu-dau-nga-146097.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì nước Đức lâm nguy, hơn 1.000 người sắp mất việc vì thiếu dầu Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH