Với quan niệm “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”, ông không chỉ có cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc.
Người cộng sản kiên trung của dân tộc
Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) tên thật Nguyễn Kim Thành, sinh ở Hội An, Quảng Nam, quê gốc ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cha ông là nhà nho nghèo, không đỗ đạt, thích thơ, sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con nhà nho, thuộc nhiều ca dao, dân ca Huế.
Trong hoàn cảnh dân tộc còn nô lệ, Tố Hữu sớm cảm hiểu nỗi đau khổ của những người dân nghèo khổ trong xã hội đầy rẫy áp bức bất công, sẻ chia với họ thông qua những vần thơ đầu tay từ năm 17 tuổi. Ông cũng sớm giác ngộ và tham gia các hoạt động cách mạng, trở thành Đảng viên từ năm 18 tuổi.
Năm ông được kết nạp Đảng cũng là năm ra đời bài thơ “Từ ấy”. Tháng 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi mấy nhà tù khắp vùng miền Trung Tây Nguyên. Thời gian này, ông có cả chục bài thơ chủ đề “xiềng xích”, “tranh đấu”.
Theo Báo Thanh Hóa, trong giai đoạn 1943-1945, nhà thơ Tố Hữu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khi mới 23 tuổi, đồng thời tham gia ban lãnh đạo chiến khu Quang Trung.
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, sau được điều ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên.
Tới cuối năm 1946, ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lần thứ hai, nhận nhiệm vụ xây dựng tỉnh này thành hậu phương chiến lược khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra.
Sau đó ông liên tục giữ những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước như Phó Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Đến năm 1980, ông trở thành Ủy viên chính thức của Bộ Chính trị, sau đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Phó Thủ tướng Chính phủ), giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại.
"Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”
Sự nghiệp thi ca của Tố Hữu bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động cách mạng của ông. Trong lời tự bạch, in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà thơ Tố Hữu viết: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”.
Có người đã từng ví, thơ Tố Hữu đã “vẽ” lại bức tranh lịch sử của cách mạng nhân dân Việt Nam thông qua các chặng đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Tố Hữu.
Với quan niệm “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” không chỉ có cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, với tài năng và tâm huyết, Tố Hữu còn là nhà thơ lớn của dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tố Hữu luôn dùng thơ ca như một vũ khí, cổ vũ, động viên nhân dân tham gia kháng chiến chống lại kẻ thù: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Chính vì vậy, nhắc đến thơ Tố Hữu là nhắc tới thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân. Thơ Tố Hữu mang tính thời sự rất cao, thơ ông gắn liền với từng biến động của đất nước, phản ánh kịp thời những sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”...
Tố Hữu có biệt tài mà không phải nhà thơ nào cũng làm được, đó là dù viết về Đảng, về cách mạng và cuộc chiến tranh, nhưng thơ ông không hề cứng nhắc mà luôn tha thiết và thấm đẫm tình người. Ngay cả những câu viết về vấn đề chính trị tưởng chừng sẽ bị khô khan vậy mà vẫn được Tố Hữu viết một cách đằm thắm và chân thành: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.
Mỗi tập thơ của ông gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ khi ông giác ngộ cách mạng những năm 1937, cho đến khi đất nước giành độc lập, rồi trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho đến ngày thống nhất đất nước…
Quả thực, kể từ những vần thơ ông sáng tác từ khi còn rất trẻ, trong tập thơ Từ ấy (1937-1946), đã cho thấy một trái tim đầy nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng của ông. Cho đến những bài thơ trong các tập thơ sau này như Việt Bắc (1947-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và Hoa (1972-1977)… ông đều viết về cuộc cách mạng và tình yêu của ông dành cho quê hương, cho đất nước và con người Việt Nam.
Dọc theo chiều dài lịch sử cách mạng, thơ Tố Hữu luôn khích lệ, cổ vũ quần chúng đứng lên đấu tranh. Ngoài những bài thơ cách mạng, nhà thơ Tố Hữu còn viết về những số phận, những cuộc đời đau khổ, lên án xã hội phong kiến bất công cùng với nạn giặc ngoại xâm đã đẩy cuộc sống của người dân lao động đến bần cùng, khổ sở…
Giáo sư Phong Lê từng nhận xét rằng: “Thơ Tố Hữu đi vào tim mỗi người một cách tự nhiên và thẳng thắn nhất, đó không chỉ là thơ, đó là tiếng nói hộ cho biết bao thế hệ".
Với những đóng góp của mình, nhà thơ Tố Hữu đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải Nhất giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 cho tập thơ Việt Bắc, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Đảng và Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Tố Hữu bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Tham khảo:
- Tố Hữu: Người cộng sản kiên trung, nhà thơ lớn của dân tộc - Báo Đảng Cộng sản Việt Nam
- Nhà thơ Tố Hữu: người gieo vần vĩ đại của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ XX - TTXVN
- Nhà thơ nào từng làm Phó Thủ tướng? - Báo VnExpress
- Tố Hữu và nguồn thơ cách mạng: Từ lý tưởng đến rung cảm thật sự - Báo VietnamPlus
- Tố Hữu - cây đại thụ trong làng thơ cách mạng Việt Nam - Báo QĐND