Nhận định chứng khoán 7/5: 'Nín thở' chờ đàm phán thuế Mỹ
VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.240 điểm khi áp lực chốt lời xuất hiện vào cuối phiên, dù thanh khoản cải thiện và khối ngoại quay lại mua ròng. Các công ty chứng khoán đưa ra quan điểm trái chiều, trong đó TPS và MAS nghiêng về kịch bản lạc quan hơn thị trường.

Chứng khoán TPS: Tích cực - VN-Index hướng lên 1.260 điểm
Đà tăng của thị trường đã bị thu hẹp đáng kể khi về cuối phiên. Điểm sáng trong ngày đến từ hoạt động mua ròng của khối ngoại và thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể so với phiên trước, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn. Về phân tích kỹ thuật, VN-Index đang chạm ngưỡng kháng cự ngắn hạn quanh 1.240 điểm. Nếu lực mua tiếp tục duy trì, chỉ số có thể vượt kháng cự và hướng tới vùng cao hơn quanh 1.260 điểm. Ngoài ra, thông tin Việt Nam sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ vào ngày 7/5 là yếu tố quan trọng có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn.
Chứng khoán MAS: Tích cực
Phiên giao dịch tăng điểm đi kèm thanh khoản cải thiện giúp điểm số đánh giá kỹ thuật ngắn hạn theo thang điểm nội bộ duy trì ở mức +5, thể hiện trạng thái khả quan.
![]() |
Nguồn: MAS |
Chứng khoán BSC: Trung lập - xu hướng thị trường chưa rõ ràng
VN-Index tăng lên vùng 1.250 điểm và duy trì giao dịch quanh mốc này trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, áp lực chốt lời cuối phiên chiều khiến chỉ số lùi về 1.241,95 điểm, tăng nhẹ gần 2 điểm so với phiên trước. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 10/18 nhóm ngành tăng điểm, trong đó nổi bật là ngành Bảo hiểm và Hàng cá nhân & gia dụng. Khối ngoại hôm nay mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Nhìn chung, VN-Index vẫn chưa thể bứt phá hoàn toàn khỏi vùng 1.200 – 1.240 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu danh mục để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong bối cảnh xu hướng thị trường chưa rõ ràng.
Chứng khoán Phú Hưng: Trung lập - VN-Index vận động trong vùng 1.230 - 1.240 điểm
VN-Index đóng cửa với mẫu hình nến sao băng (shooting star), phản ánh áp lực chốt lời hiện hữu. Dù vậy, khối lượng khớp lệnh chưa đủ lớn để xác nhận khả năng đảo chiều xu hướng. Các chỉ báo kỹ thuật chưa biến động mạnh, vẫn trong trạng thái cân bằng. Tín hiệu rung lắc trong quá trình đi lên là phù hợp với yếu tố kỹ thuật. Dự kiến, VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng 1.230 – 1.240 điểm trong các phiên tới. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất đã được nâng lên mốc 1.215 điểm, trong khi kháng cự hướng tới là vùng 1.260 – 1.270 điểm.
Chiến lược chung là nắm giữ và chốt lời một phần đối với các cổ phiếu midcap có hiệu suất tốt. Tỷ trọng danh mục nên giữ ở mức trung bình để phòng ngừa rủi ro từ yếu tố vĩ mô. Các nhóm ngành nên ưu tiên bao gồm: Đầu tư công, Bất động sản, Ngân hàng và Tiện ích.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Tiêu cực - VN-Index có thể điều chỉnh nhẹ
Thị trường có thể sẽ điều chỉnh nhẹ trong phiên kế tiếp. Hiện tại, VN-Index vẫn trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp với sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan hơn với diễn biến thị trường.
Xu hướng ngắn hạn (dưới 1 tháng) của thị trường vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
>> VN-Index tiếp tục phục hồi, nhiều nhóm ngành bị tác động bởi thuế Mỹ lên mạnh
Ngày mai (7/5), Việt Nam đàm phán thuế quan với Mỹ, Thủ tướng vừa có chỉ đạo mới
Đà Nẵng ra 'tối hậu thư' đối với nhiều hộ dân tại siêu dự án 44.000 tỷ đồng