BSC đánh giá việc VN-Index đi lên với khối lượng thiếu bứt phá chưa phải dấu hiệu tích cực. VN-Index nhiều khả năng sẽ quay lại test đường MA20 trong ngắn hạn.
Tổng quan phiên 9/2:
Phiên giao dịch chiều diễn ra với diễn biến khá êm đềm khi sắc xanh vẫn là gam màu chủ đạo trên thị trường. Nhóm cổ phiếu thép là tâm điểm trong phiên giao dịch với hàng loạt mã tăng mạnh, thậm chí tăng trần như HSG, NKG, POM, SMC, VIS.
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng là điểm sáng với nhiều mã tăng mạnh, thậm chí CEO, DIG, DRH còn đảo chiều từ sàn lên trần.
Sự sôi động của thị trường cũng kéo theo đà tăng của nhóm chứng khoán với hàng loạt mã tăng điểm như AGR, CTS, MBS, SSI, SHS, VIX, VND, FTS,…
Ở nhóm Bluechips, BVH, FPT, MSN, REE, VHM, VHM, VRE, MWG tăng khá tốt giúp sắc xanh thị trường được củng cố.
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu tăng khá tốt trong thời gian gần đây như dầu khí, hàng không, ngân hàng đã "hạ nhiệt".
Về cuối phiên giao dịch, các cổ phiếu nhóm dầu khí bị bán mạnh trong đó GAS giảm 3,5%, PVD giảm 2,8%, PVS giảm 1,7%,...
Một số cổ phiếu ngân hàng lớn đóng cửa trong sắc đỏ như ACB, CTG, MBB, VPB, TCB, TPB, LPB, MSB đã khiến thị trường chung không bứt phá quá mạnh trong phiên hôm nay.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,39 điểm (0,29%) lên 1.505,38 điểm; toàn sàn có 291 mã tăng, 161 mã giảm và 45 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,3 điểm (1,51%) lên 424,19 điểm; toàn sàn có 141 mã tăng, 92 mã giảm và 58 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,48 điểm (0,43%) lên 112 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện hơn. Tổng giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE vượt 1 tỷ USD với 23.651 tỷ đồng - tăng 12%. Tính chung toàn thị trường, giá trị khớp lệnh đạt 26.539 tỷ đồng - tăng 12,3%.
Giao dịch khối ngoại cũng khá tích cực khi họ mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 340 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại tập trung vào FUEVFVND, VND, GEX, GMD…
Nhận định phiên 10/2:
CTCK Đông Á (DAS): Thận trọng
Thanh khoản tăng lên nhưng với chiều hướng không tích cực do các cổ phiếu trụ bị bán mạnh về cuối phiên 9/2. Chỉ số VN-Index vẫn loay hoay giữ điểm số chứ chưa có xu hướng bứt phá. Theo DAS, chỉ số có thể cần thêm thời gian tích lũy trong nền giá 1.470 - 1.500 điểm để hấp thụ lượng hàng bán ra khi nhà đầu tư cơ cấu danh mục sau số liệu lợi nhuận quý IV/2021.
CTCK BIDV (BSC): Tăng chưa thuyết phục
Nhóm cổ phiếu dầu khí, hàng không, ngân hàng có phiên giao dịch kém tích cực gây cản trở cho đà bứt phá của VN-Index.
BSC đánh giá việc VN-Index đi lên trong những ngày qua với khối lượng thiếu bứt phá chưa phải dấu hiệu tích cực. VN-Index nhiều khả năng sẽ quay lại test đường MA20 trong ngắn hạn.
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Rung lắc có thể xảy ra
Xu hướng tăng của VN-Index vẫn ở mức tốt nhưng hiện tại đang xuất hiện những dấu hiệu về những đợt rung lắc có thể xảy ra khi mà hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2022 đang chiết khấu so với chỉ số VN30 hơn 11 điểm.
Trên biểu đồ kỹ thuật, những thân nến nhỏ liên tiếp cũng cho thấy sự giằng giữa bên mua và bên bán. SHS dự báo, trong phiên giao dịch 10/2, chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh nhẹ để kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm.