Phiên giao dịch 28/7 diễn ra giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa với sắc xanh nhạt của các chỉ số. Thanh khoản hôm nay giảm mạnh so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch đạt 16.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 13.600 tỷ đồng, giảm 31%, riêng sàn HoSE giảm 29,8% xuống 11.500 tỷ đồng, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng qua. Với diễn biến hiện tại, VN-Index được nhận định vẫn chưa thoát khỏi khu vực tích lũy ngắn hạn hiện tại trong phiên giao dịch kế tiếp.
Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 29/7/2021.
VN-Index có phiên hồi phục nhẹ thứ ba liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh thấp nhất từ đầu năm đến nay cho thấy một bộ phần nhà đầu tư vẫn đang thận trọng và tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường. Điều này khiến cho diễn biến trong phiên hôm nay trở nên khá nhàm chán khi mà các cổ phiếu chủ yếu chỉ đi ngang và giằng co quanh tham chiếu.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng hồi phục với thanh khoản yếu. Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại thì có lẽ thị trường sẽ cần điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn để lôi kéo lực cầu quay trở lại. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 29/7, thị trường có thể sẽ điều chỉnh trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.260 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5).
Nhà đầu tư đã bắt đáy với tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình trong phiên 19/7 khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường và có thể canh chốt lời nếu VN-Index tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.300-1325 điểm. Chiều ngược lại, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng lên mức cao nếu thị trường có nhịp chỉnh mạnh về quanh ngưỡng 1.210 điểm.
Kết phiên giao dịch 28/7, VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.277,07 điểm, HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,08%) lên 306,25 điểm, UPCoM-Index tăng 0,22% lên 84,96 điểm.
Kéo chỉ số tang điểm trong phiên hôm nay gồm có: VCB (+1,7); VIC (+0,73); HPG (+0,48); VIB (+0,27); CTG (+0,26)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm gồm những mã: VHM (-1,13); NVL (-0,69); VNM (-0,33); VPB (-0,32); FPT (-0,29)…
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 11.484 tỷ đồng, -29,81% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 13.064 tỷ đồng. Biên độ dao động là 9,39 điểm. Thị trường có 141 mã tăng, 67 mã tham chiếu và 214 mã giảm.
Giá trị mua ròng của khối ngoại: 61,92 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (63,2 tỷ), FUEVFVND (54,6 tỷ) và MBB (26,4 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -16,89 tỷ đồng.
Theo BSC, VN-Index chủ yếu dao động với biên độ hẹp trong phiên hôm nay và đóng cửa với mức tăng nhẹ. Dòng tiền đầu tư suy giảm với chỉ 5/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX và bán ròng trên sàn HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể vẫn chưa thoát khỏi khu vực tích lũy ngắn hạn hiện tại trong phiên tới.
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở ngưỡng kháng cự 1.275 điểm
(CTCK Mirae Asset - MAS)
MAS cho rằng phiên giao dịch 28/07 chứng kiến sự giằng co mạnh mẽ giữa hai bên mua và bán. VN-Index kết phiên tăng nhẹ 0,14 điểm, đóng cửa ở mốc 1.277 điểm tương ứng với mức tăng 0,01% so với phiên trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản có phần đáng chú ý khi tổng khối lượng khớp lệnh dừng ở mức 362 triệu cp. Đây là mức khối lượng khớp lệnh thấp nhất tính từ đầu năm cho tới nay, điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở ngưỡng kháng cự 1.275 điểm.
Aseansc nhận định thị trường phiên 28/07 ghi nhận phiên tăng điểm nhẹ thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh thiếu vắng dòng tiền dẫn dắt. CTCK này dự báo trong phiên giao dịch 29/07, sự giằng co có thể tiếp tục diễn ra tại vùng hỗ trợ 1.270 – 1.275 điểm, và vùng kháng cự 1.280 – 1.285 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại. Trong kịch bản tích cực, xu hướng của thị trường có thể cải thiện nếu chỉ số VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.280 điểm.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ với giá đóng cửa nằm trên đường MA10 ngày, đây được xem là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên bán và bên mua đang tạm thời cân bằng. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.280 – 1.285 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.290 – 1.295 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.270 – 1.275 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.260 – 1.265 điểm.
KBSV cho rằng VN-Index trong những phiên gần đây đang vận động giằng co trong biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen. Sự hình thành của mẫu nến trung tính đi kèm thanh khoản ở mức thấp tương đối không cung cấp nhiều tín hiệu xác nhận cho xu hướng kế tiếp. Tuy nhiên, diễn biến giằng co đi ngang và thu hẹp dần biên độ đã gần đến điểm quyết định và chỉ số sẽ sớm có tín hiệu break trong 1-2 phiên tới. Về tổng thể, cơ hội hồi phục của chỉ số vẫn được bảo lưu chừng nào chưa đánh mất điểm đỡ gần tại 1.265 điểm.
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế sau khi đã chốt lời T+ và chỉ bán giảm tỷ trọng trong trường hợp VN-Index phá vỡ mốc hỗ trợ gần đã đề cập ở trên.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.