Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ thắt chặt dần trong những phiên tới trước khi xu hướng trở nên rõ ràng hơn.
Tổng quan thị trường chứng khoán tuần 10 - 14/1:
Kết phiên giao dịch cuối tuần (14/1), VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm - giảm 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 26,98 điểm (-5,46%) xuống 466,86 điểm; UpCOM-Index cũng giảm 3,38 điểm (-2,92%) xuống 112,22 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 39.965 tỷ đồng/phiên - tăng 3% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân tăng 4,6% và đạt 37.782 tỷ đồng/phiên.
Về diễn biến giá cổ phiếu, trong tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực lớn nhất do hai sự kiện lớn “chấn động” thị trường là việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đã đấu giá tại Thủ Thiêm và ông Trịnh Văn Quyết với lùm xùm xung quanh việc bán lượng lớn cổ phiếu FLC.
Tuần qua, cổ phiếu FLC nói riêng và các mã đầu cơ khác trong hệ sinh thái của FLC đồng loạt lao dốc giữa những lùm xùm liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không đăng ký giao dịch.
Tính chung cả tuần, FLC giảm cả 5 phiên với 3 phiên nằm sàn trắng bên mua, giá cổ phiếu theo đó bốc hơi gần 30% giá trị.
Với việc không có lực cầu đỡ giá, cộng thêm nhà đầu tư liên tục kê lệnh để "thoát hàng" khiến khối lượng khớp lệnh mã này trong các phiên giảm sàn chưa đến 3 triệu đơn vị/ phiên trong khi giá trị giao dịch trung bình trong 10 phiên gần đây lên tới hơn 45 triệu đơn vị/phiên.
Theo đó, hàng loạt cổ phiếu giảm sâu như DIG (-17,5%), CEO (-23,1%), LDG (-19,8%), ITA (-15%), SCR (-9,8%), HQC (-17,7%), DXG (-11,7%), IDC (-9,2%), NLG (-13,2%), DRH (-14,5%), HAR (-28,5%), FLC (-28,6%), ROS (-29,7%) ...
Ở chiều ngược lại, trụ cột của thị trường là nhóm ngân hàng đã lên tiếng giúp các chỉ số không giảm sâu thêm: Cụ thể, VCB (+4,5%), BID (+12,9%), CTG (+6,8%), MBB (+3,7%), TPB (+2,2%), SHB (+1,8%),...
Tương tự, VHM và VIC là 2 mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường với mức ảnh hưởng giảm là 3,7 và 3,6 điểm.
Về diễn biến dòng tiền, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục rút ròng trong tuần qua và gây ra nhiều áp lực đến thị trường chung. Trong khi đó, tổ chức trong nước và khối ngoại đều mua ròng.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư (Đơn vị: Tỷ đồng)
Theo dữ liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 1.647 tỷ đồng - gấp 3,3 lần so với tuần trước trong đó dòng vốn này bán ròng 1.824 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.
Trái ngược hoàn toàn với cá nhân trong nước, tổ chức nội vẫn giữ được sự tích cực khi mua ròng 933 tỷ đồng. Nếu xét về khớp lệnh, dòng vốn này bán ròng gần 927 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh công ty chứng khoán, dòng vốn này có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị 171 tỷ đồng (giảm 78% so với tuần tuần trước) trong đó khối tự doanh mua ròng 315 tỷ đồng thông qua khớp lệnh.
Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 714 tỷ đồng ở sàn HOSE trong tuần qua. Nếu tính về khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng 582 tỷ đồng.
Nhận định chứng khoán tuần 17 - 21/1:
CTCK Bản Việt (VCSC): Kiểm định kháng cự 1.500 - 1.510 điểm
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của HNX-Index tạm được cải thiện lên mức trung tính tương đồng với tín hiệu hiện tại của VN-Index và VN30. Trong khi đó, VNMidcap và VNSmallcap vẫn duy trì trạng thái tiêu cực cho xu hướng ngắn hạn.
VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục thể hiện những nỗ lực hồi phục trong phiên sáng. Theo đó, chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ kiểm định kháng cự MA5 hoặc MA10 ngày ở khu vực 1.500 - 1.510 điểm. Nếu VN-Index có thể vượt thuyết phục mốc 1.510 điểm với khối lượng giao dịch cao, VCSC tin rằng chỉ số này sẽ có khả năng sẽ kiểm định và vượt qua kháng cự đỉnh gần nhất tại 1.530 điểm để tiếp tục chinh phục các mốc cao mới.
Ngược lại, nếu lực cầu không đủ mạnh và nhường lại ưu thế cho bên bán, khiến VN-Index đóng cửa dưới đường MA20 tại 1.495 điểm, chỉ số này có thể sẽ giảm để kiểm định các hỗ trợ tại 1.475 điểm hoặc thấp hơn là 1.440 điểm.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Đi ngang tích lũy
Sau nhịp mở gap giảm điểm đầu phiên 14/1, VN-Index hồi phục giằng co và lấy lại phần lớn điểm số đã mất trong phiên.
Những phản ứng tích cực quanh vùng hỗ trợ gần 1.485 điểm cùng với sự tiết giảm của bên bán đã giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang tích luỹ với biên độ thắt chặt dần trong những phiên tới trước khi xu hướng trở nên rõ ràng hơn.
Trong nhịp đi ngang này, nhà đầu tư được khuyến nghị cân bằng lại tỷ trọng danh mục, chỉ mua đối với các mã cổ phiếu mục tiêu về lại vùng hỗ trợ mạnh.
CTCK Asean (Aseansc): Kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.490 - 1.495 điểm
Thị trường hôm 14/1 ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh là trụ đỡ chính cho thị trường trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục suy yếu. Điều này cho thấy tâm lý hiện tại của nhà đầu tư đang khá thận trọng, khi mà rủi ro thị trường vẫn còn hiện hữu.
Do đó, Aseansc duy trì quan điểm rằng, những phiên hồi phục kỹ thuật được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.490 - 1.495 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.480 - 1.485 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.