Nhận thông báo quen thuộc này trên Zalo, có thể tài khoản đang bị 'hack'
Nếu lơ là cảnh giác, tài khoản Zalo của bạn có thể rơi vào tay hacker.
Cảnh giác khi nhận được 3 loại thông báo Zalo này
Mặc dù Zalo liên tục cập nhật để nâng cao bảo mật, nhưng nếu không chú ý, tài khoản của bạn vẫn có thể bị hacker chiếm đoạt. Dưới đây là 3 loại thông báo bạn cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ tài khoản Zalo của mình.
Có phải bạn vừa yêu cầu mã kích hoạt?
Khi đăng nhập Zalo trên một thiết bị mới, hệ thống sẽ gửi thông báo để bạn xác nhận.
Nếu bạn đang thực hiện đăng nhập, hãy chọn "Kiểm tra bảo mật" để truy cập trang bảo mật, sau đó bấm "Đây là tôi" để xác nhận và tắt cảnh báo.
Nếu không phải bạn, ngay lập tức chọn "Kiểm tra bảo mật", sau đó bấm "Không phải tôi" và nhấn "Chặn ngay" để ngăn thiết bị lạ yêu cầu mã kích hoạt.
Trong trường hợp bạn không còn sử dụng số điện thoại đã đăng ký Zalo, hãy chọn "Đổi số điện thoại" để cập nhật số mới mà vẫn giữ nguyên tài khoản cũ.
Có phải bạn đang muốn đăng nhập?
Nếu tài khoản của bạn được đăng nhập trên một thiết bị lạ và tính năng bảo mật được kích hoạt, Zalo sẽ gửi thông báo để bạn kiểm tra. Đây là biện pháp nhằm bảo vệ tài khoản của bạn khỏi nguy cơ bị kẻ xấu chiếm đoạt.
Khi nhận được cảnh báo từ Zalo, bạn cần thực hiện một số bước xác nhận để đảm bảo an toàn. Nếu bạn thực sự là người đang đăng nhập, hãy nhấn "Kiểm tra bảo mật" và chọn "Đó là tôi" để xác nhận.
Ngược lại, nếu bạn không phải là người thực hiện thao tác này, hãy ngay lập tức nhấn "Kiểm tra bảo mật", sau đó chọn "Không phải tôi". Tiếp theo, bấm "Chặn ngay" để ngăn chặn thiết bị lạ đăng nhập vào tài khoản của bạn. Cuối cùng, để tăng cường bảo mật, bạn nên đổi mật khẩu Zalo ngay lập tức nhằm ngăn chặn nguy cơ bị xâm nhập trái phép.
Có phải bạn vừa đăng nhập?
Nếu tài khoản của bạn được đăng nhập trên một thiết bị lạ, Zalo sẽ gửi thông báo để bạn kiểm tra.
Trường hợp bạn thực hiện đăng nhập: Hãy xác nhận như những lần trước khi nhận cảnh báo.
Nếu không phải bạn: Ngay lập tức truy cập "Kiểm tra bảo mật" trên Zalo, chọn "Không phải tôi", nhấn "Đăng xuất ngay" để thoát khỏi thiết bị lạ, sau đó chọn "Báo xấu" để cảnh báo về thiết bị này.
Lưu ý, trước khi mở tin nhắn hay nhấp vào đường link, hãy xác minh danh tính người gửi. Tốt nhất, hãy gọi trực tiếp bằng số điện thoại (không dùng ứng dụng gọi miễn phí) để đảm bảo tài khoản của họ không bị kẻ xấu chiếm đoạt và lợi dụng để lừa đảo.
Việc cần làm ngay bây giờ để Zalo không bị xâm nhập, chiếm đoạt
Để tránh tình trạng mất tài khoản và chỉ tìm cách khôi phục khi đã bị hack, người dùng cần thực hiện những biện pháp bảo mật từ sớm để bảo vệ tài khoản Zalo của mình.
Tạo mật khẩu mạnh mẽ
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo rằng mật khẩu của tài khoản Zalo (và bất kỳ tài khoản nào khác) cần phải kết hợp chữ cái, số và ký tự đặc biệt. Hãy tránh sử dụng mật khẩu quá đơn giản như ngày sinh, hoặc những chuỗi số dễ đoán như "0000000", "1111111". Đặt mật khẩu có ít nhất 10 ký tự để tăng cường mức độ bảo mật.
Kiểm tra tình trạng bảo mật của Zalo
Để kiểm tra mức độ bảo mật của tài khoản, người dùng có thể vào Zalo, truy cập vào trang cá nhân và chọn "Kiểm tra bảo mật". Qua đó, bạn sẽ biết tài khoản của mình đang có mức bảo mật yếu, trung bình hay tốt. Để tăng cường bảo mật, hãy thiết lập bảo mật 2 lớp, xác thực tài khoản và đảm bảo cập nhật phiên bản Zalo mới nhất.
Cẩn trọng khi nhận các đường link lạ
Người dùng không nên nhấn vào các đường link lạ hoặc chia sẻ mã xác nhận từ Zalo với người khác. Dù đường link đó có xuất phát từ bạn bè, hãy cẩn thận, vì tài khoản bạn bè có thể đã bị hack và những liên kết này có thể là mánh khóe để lừa đảo tài khoản của bạn.
Theo dõi và kiểm soát việc đăng nhập Zalo
Thường xuyên kiểm tra lịch sử đăng nhập vào tài khoản Zalo của mình để phát hiện những thiết bị lạ. Nếu thấy có thiết bị không quen biết đăng nhập vào tài khoản, bạn có thể nhanh chóng đăng xuất thiết bị đó, thay đổi mật khẩu hoặc số điện thoại và nâng cao bảo mật để ngăn ngừa nguy cơ bị xâm nhập.
>> Công an cảnh báo chiêu lừa đảo nhắm vào người dùng Zalo, Facebook
Cách phát hiện và mở tin nhắn ẩn trên Zalo
Cách ‘ẩn mình’ trên Facebook và Zalo, không lo bị người khác phát hiện khi dùng