Nhật Bản bước lên "tầm cao mới", sắp sửa xây đường tàu điện chạy thẳng lên đỉnh núi Phú Sĩ cao hơn 3.700m để hút khách "nhà giàu"
Vốn sở hữu hệ thống tàu điện ngầm khiến cả thế giới phải kinh ngạc, Nhật Bản còn bước lên “tầm cao mới” bằng việc xây dựng tuyến tàu điện chạy thẳng lên đỉnh núi Phú Sĩ.
Ở độ cao 2.300 mét so với mực nước biển, ga số 5 Fuji Subaru là điểm dừng chân trung tâm của du khách khi đến thăm núi Phú Sĩ nổi tiếng của Nhật Bản. Năm 2019, nơi đây đã đón tới 5 triệu lượt du khách. Những chiếc xe buýt cỡ lớn luôn hoạt động hết công suất trong mùa leo núi của năm, bất chấp lớp sương mù dày đặc che khuất ngọn núi mang tính biểu tượng của Nhật Bản.
Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa, Nhật Bản dự kiến đưa Dự án đường sắt hạng nhẹ vào hoạt động, sẽ biến Phú Sĩ thành điểm thu hút khách du lịch cao cấp hơn. Vé khứ hồi đi tàu sẽ có giá 10.000 yên (tương đương 68 USD).
Các quan chức cũng có kế hoạch xây dựng một khách sạn tại Nhà ga số 5 Fuji Subaru, bởi xung quanh đó có các nhà hàng, cửa hàng để du khách mua đồ dùng trước khi chinh phục đỉnh núi cao 3.776 mét nhưng chưa có nơi lưu trú cho du khách.
Ông Masatake Izumi, một quan chức quận Yamanashi phụ trách dự án, cho rằng “núi Phú Sĩ sẽ mất đi vẻ đẹp của nó” nếu không sớm triển khai kế hoạch này. Trong mùa cao điểm leo núi vào mùa hè, hàng trăm ô tô, xe buýt và hàng nghìn người leo núi có thể tập trung tại trạm này. Bãi đỗ xe và nhà tắm cộng cộng luôn trong tình trạng quá tải. Dự án đường sắt hạng nhẹ chạy thẳng lên đỉnh núi Phú Sĩ này được kỳ vọng có thể giúp giao thông thông thoáng và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Hiện, số lượng khách du lịch đang dần phục hồi kể từ khi nước này mở cửa trở lại vào năm ngoái. Theo Bloomberg Intelligence, du khách tới đây dự kiến sẽ tăng kỷ lục vào năm 2025.
Các quan chức cho biết, họ chưa ước tính được lượng khí CO2 sẽ giảm bao nhiêu khi áp dụng quy định cấm các phương tiện cá nhân và yêu cầu du khách chuyển sang đi tàu. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, lượng khí nhà kính mỗi chuyến tàu thải ra trên mỗi km di chuyển là 17 gram, thấp hơn nhiều so với xe buýt (57 gram) và ô tô (130 gram).
Giáo sư Paul Peeters, chuyên gia về vận tải du lịch bền vững tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda ở Hà Lan cho biết kế hoạch khai thác đường sắt ở núi Phú Sĩ cũng tương tự như Thuỵ Sĩ yêu cầu khách đến nghỉ dưỡng tại các thị trấn trên núi bằng tàu hoả. Ông cho biết thêm, đường sắt sẽ giảm thiểu nhu cầu về chỗ đậu xe, mang lại sự đa dạng sinh học và cảnh quan đẹp hơn so với các phương tiện khác.
Tàu hoả cũng có thể giúp cho các điểm đến trở nên độc đáo, thu hút những khách du lịch sẵn sàng chi nhiều tiền. Đó cũng là kế hoạch cho Nhà ga số 5 ở núi Phú Sĩ.
Ông Izumi nói: "Nếu chúng tôi có thể nâng cao mức độ hài lòng của du khách, họ sẽ trả số tiền tương xứng. Với Nhà ga số 5, chúng tôi muốn xây dựng một mô hình kinh doanh có lợi cho nền kinh tế địa phương và đất nước".
Nhật Bản cân nhắc chọn công nghệ Trung Quốc cho hệ thống tàu điện không ray mới để bảo vệ núi Phú Sĩ