Nhiều doanh nhân Việt miệt mài làm việc ở tuổi xưa nay hiếm: Ông Trương Gia Bình trực tiếp đi bán hàng, tỷ phú Trần Đình Long nuôi hoài bão lớn
Dù đã là người đứng đầu các doanh nghiệp và sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ nhưng các doanh nhân Việt vẫn miệt mài làm việc.
Trào lưu nghỉ hưu sớm không còn lạ ở các nước phương Tây nhưng mới chỉ bắt đầu được nhắc đến nhiều tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Khái niệm và phong cách sống này cũng đang gây ra không ít tranh cãi. Chẳng hạn như cách đây không lâu, một cô gái 27 tuổi ở Hưng Yên tuyên bố nghỉ hưu sớm với khoản tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, ở cùng với gia đình, đi dạy gia sư đã khiến dư luận dậy sóng.
Chưa cần biết giới trẻ thực sự hiểu đúng khái niệm nghỉ hưu sớm hay chưa, nhưng những trường hợp trên khiến người ta đặt ra câu hỏi: "Liệu người trẻ có đang quá lười, trong khi những doanh nhân thành đạt, sở hữu khối tài sản khổng lồ như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Trương Gia Bình, Cao Thị Ngọc Dung… vẫn miệt mài làm việc khi tóc đã phai màu?"
Tỷ phú Trần Đình Long và khát khao chinh phục mục tiêu lớn
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí diễn ra trong giờ giải lao phiên họp đại hội đồng cổ đông 2021 của Tập đoàn Hòa Phát, tỷ phú Trần Đình Long từng tiết lộ những chi tiết cực thú vị về công việc kinh doanh cũng như cuộc sống.
Khi được hỏi chủ tịch Trần Đình Long nghĩ gì khi được mọi người kỳ vọng Hòa Phát trở thành “Posco, Pohang Việt Nam”, trở thành một trong những doanh nghiệp trụ cột trong nền kinh tế? Hòa Phát có lấy tên tuổi nào làm “thần tượng” không?
Ông Long trả lời: “Được thế thì tốt quá. (Cười). Chúng tôi không lấy ai làm thần tượng cả đâu. Tôi luôn nghĩ mình phải vươn lên thành nhóm công ty đứng đầu về sản xuất thép ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, thậm chí thế giới. Mục tiêu trước mắt là nằm trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Đó thực sự là một hoài bão. Giờ Hòa Phát trong top này rồi nhưng mà chúng tôi phải tốt hơn. Vì chị đừng quên là mình đứng lại thì sẽ có người vượt mình ngay đấy nhá."
Quan điểm “mình đứng lại thì sẽ có người vượt mình ngay” của vị tỷ phú 62 tuổi tương đồng với quan điểm cạnh tranh, sẵn sàng chấp nhận rủi ro của nhiều tỷ phú trên thế giới. Nếu bạn không chấp nhận tiến lên, đồng nghĩa với việc người khác sẽ vượt lên bạn bởi thế giới luôn vận động.
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Dũng cảm nhận ra những điều cũ cần từ bỏ
“Cản trở lớn nhất đối với tư duy mới đến từ chính mình. Mình có vượt qua được chính mình hay không, có dám đập bỏ những gì đã từng gây dựng và tự hào hay không”, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Tập đoàn PNJ phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức.
Đề cập tới những khó khăn khi đưa tư duy mới vào tổ chức, bà Dung cho biết điều mà bà cùng các lãnh đạo PNJ đang học là “quên đi những gì mình đã làm”, dũng cảm nhận ra những điều đã cũ cần từ bỏ.
“Thậm chí mình phải đứng trước đội ngũ và nhận 'ngày đó tôi đã làm điều đó, và bây giờ tôi thấy tôi đã sai'. Cái đó rất quan trọng. Khi mình nói ra, đội ngũ kế cận sẽ thấu hiểu và truyền thông xuống bên dưới”, Chủ tịch PNJ cho hay.
Bà còn chia sẻ rằng trong cuộc đời làm lãnh đạo, ngày hôm sau bà luôn nghĩ về những gì mình đã làm ngày hôm qua và luôn tìm xem có thể làm gì mới hơn không. Đặc biệt, PNJ tái cấu trúc sau mỗi 5 năm, xuất phát từ tư duy phải luôn luôn đổi mới.
“Một số bạn hiện nay đang làm việc với tôi xin nghỉ hưu sớm dù chưa đến tuổi. Họ nói: “Mấy chục năm đi theo chị không bao giờ thấy đủ về tri thức, cứ học hoài. Bây giờ có mấy bạn trẻ rồi thì cho tụi em dừng lại để học thứ khác ở bên ngoài ”.
Mấy chục năm lúc nào cũng thấy cứ phải học và thay đổi. Nhiều lúc các bạn hỏi rằng công ty đang tốt, tại sao phải tái cấu trúc. Thực tế trong công ty hiện nay còn mình tôi và một bạn nữa thuộc thế hệ cũ. Còn lại nghỉ hết vì mệt quá”, nữ Chủ tịch 66 tuổi cho biết.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tôi vẫn trực tiếp đi bán hàng
Lớn hơn bà Dung 1 tuổi, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT khẳng định: "Hiện tại, tôi vẫn trực tiếp đi bán hàng". Ông cho biết bản thân rất thích làm việc và chưa từng nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi ở tuổi 67.
Một trong những bí quyết giúp ông Bình vẫn say mê với công việc đó là luôn giữ tư duy đổi mới, sáng tạo và biến đó thành văn hóa của toàn tập đoàn.
Ông Trương Gia Bình khẳng định, mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển đều phải làm cái mới. Lãnh đạo doanh nghiệp phải thường xuyên trả lời ba câu hỏi: "Thời gian tới, thị trường thay đổi như thế nào? Đối thủ có hành động gì? Khách hàng mong muốn gì?".
Từ đó, tiếp tục suy nghĩ: "Doanh nghiệp có vị thế ra sao? Công nghệ phải khác như thế nào? Con người thay đổi như thế nào?".
Theo Chủ tịch FPT, người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn đau đáu về chiến lược, tư duy đổi mới và làm gương. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo đổi mới phải có tư duy, hành động mới cũng như khát khao đưa doanh nghiệp hóa hổ, hóa rồng. Từ đó, doanh nghiệp góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh. Trong đó, văn hóa của công ty phụ thuộc vào văn hóa của người đứng đầu. Văn hóa đó nếu được gìn giữ và phát triển thì doanh nghiệp sẽ từng bước thay đổi.
"Tất nhiên, mỗi người lãnh đạo thường chỉ làm tốt một việc, hoặc là chiến lược hoặc là quản trị, hiếm có người làm tốt cả hai. Đó là lý do cần người đồng hành, có thể tranh luận để ra chiến lược tốt", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch FPT cũng nhấn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ mới với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu… vào quản trị, điều hành. Trong câu chuyện của ông Trương Gia Bình, FPT từng xuất phát điểm không vốn, không kinh nghiệm, chỉ có nhiệt huyết của đội ngũ sáng lập đã từng bước đi lên.
"Không phải tự nhiên FPT thành công. Ước mơ nào cũng phải trả giá. Chúng tôi làm việc chục năm không có ngày nghỉ. Bạn có sẵn sàng trả giá không? Có sẵn sàng đứng đầu sóng, ngọn gió cùng nhân viên để đưa doanh nghiệp vươn tầm quốc tế không? Đất nước chờ đợi doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên toàn cầu, thị trường thế giới mênh mông và tất cả nằm trong tay những người lãnh đạo mới", ông Bình khẳng định.