Việc các công xưởng sản xuất thép lớn tại châu Âu lâm vào cảnh hoạt động đình đốn được cho là yếu tố tích cực đối với các doanh nghiệp thép nội như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim nhờ sở hữu lượng hàng tồng kho lớn.
Giá năng lượng "bức" các nhà máy thép lớn tại châu Âu vào đường cùng
Theo Oillprice đưa tin, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Việc Nga cắt giảm khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đang mang đến nhiều thiệt hại cho khối này - một trong đó là ngành thép.
Cho đến nay, khoảng 3 triệu tấn thép không gỉ của EU đang đứng trước rủi ro. Với chi phí năng lượng tăng cao, nhiều nhà máy đang không đủ khả năng để "bật đèn."
Vào đầu tháng 8/2022, Nhà máy Aperam của Bỉ đã đóng cửa cơ sở ở Genk. Ngay sau đó, họ giảm sản lượng tại Nhà máy Chatelet.
Mới nhất, Công ty Acrinox của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đưa khoảng 85% nhân viên vào làm việc thời vụ.
Nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới - ArcelorMittal là công ty mới nhất thông báo đóng cửa một trong hai lò cao tại Bremen, Đức từ cuối tháng 9 cho đến khi có thông báo mới do giá năng lượng tăng "cắt cổ" đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong sản xuất thép của họ.
Giám đốc điều hành của ArcelorMittal Germany, ông Reiner Blaschek cho biết. "Chi phí gas và điện cao đang gây áp lực lớn lên khả năng cạnh tranh. Đặc biệt hơn kể từ tháng 10 trở đi, Chính phủ Đức sẽ phải chịu thuế khí đốt theo kế hoạch, điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho chúng tôi."
Blaschek cũng kêu gọi các chính trị gia hãy khẩn trương hành động để kiểm soát giá năng lượng ngay lập tức.
Không chỉ thép, các nhà máy luyện nhôm ở châu Âu cũng đã đóng cửa trong những tuần gần đây do giá năng lượng cao ngất ngưởng.
Khảo sát của DIHK cho thấy, các ngành và công ty sử dụng nhiều năng lượng bị ảnh hưởng đặc biệt, vì 32% công ty có kế hoạch hoặc đã bắt đầu giảm sản lượng và thậm chí ngừng toàn bộ dây chuyền sản xuất. Giá thép không gỉ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường tiến gần đến quý cuối cùng của năm. Trong khi đó, giá niken lơ lửng trên mức trung bình năm 2021, chốt tháng 8 ở mức 21.320 USD/tấn. Cả hai chỉ số dường như cho thấy một thị trường đang quá thận trọng.
MetalMiner đã khuyến nghị những người mua thép không gỉ cán phẳng mong đợi giá giao dịch thấp hơn khi bước sang mùa thu. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa cung và cầu là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Với việc các nhà máy thép châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, mối quan hệ giữa cung và cầu sẽ càng trở nên trầm trọng, điều này sẽ tác động mạnh đến giá thép trên toàn cầu.
Trên thị trường quốc tế, giá thép cập nhật ngày 3/9/2022 tiếp tục giảm sâu. Giá thép giao kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 82 Nhân dân tệ xuống mức 3.651 Nhân dân tệ/tấn.
Giá thép trong nước hồi phục
Ngày 31/8, nhiều doanh nghiệp thép thông báo tăng giá sản phẩm sau chuỗi ngày giảm mạnh.
Cụ thể, theo SteelOnline.vn, Thép Hòa Phát điều chỉnh tăng lần lượt 260.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, lên mức giá 14,63 triệu đồng/tấn và 15,28 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng tăng 100.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và tăng 110.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,48 triệu đồng/tấn và 15,09 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán tăng lên là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn.
Tương tự, Thép Việt Ý cũng tăng lần lượt 430.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 và tăng 220.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 kéo giá bán lên mức 14,57 triệu đồng/tấn và 15,02 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng thực hiện tăng 600.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và tăng 200.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, lên mức giá 14,64 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina cũng tiến hành tăng giá với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Nam với mức tăng lần lượt là 410.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn, giá bán là 15,08 triệu đồng/tấn và 15,79 triệu đồng/tấn.
Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Thép Việt Mỹ cũng được tăng lần lượt 270.000 đồng/tấn và 80.000 đồng/tấn lên mức giá 14,41 triệu đồng/tấn và 14,67 triệu đồng/tấn.
Như vậy, sau 15 lần giảm giá liên tiếp kể từ 11/5 với mức giảm giá cao nhất lên tới gần 6 triệu đồng/tấn, giá thép trong nước đã quay đầu tăng (tăng cao nhất lên tới 810.000 đồng/tấn). Hiện giá thép trong nước dao động quanh mốc 14 - 15 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.
Vấn đề của doanh nghiệp thép nội nửa cuối năm 2022
Việc các công xưởng sản xuất thép lớn tại châu Âu lâm vào cảnh hoạt động đình đốn được cho là yếu tố tích cực đối với thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp thép nội như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim nhờ đang sở hữu lượng hàng tồn kho giá trị lớn.
Cộng với việc giá thép trong nước đang có tín hiệu hồi phục sau gần 4 tháng giảm mạnh, áp lực đối vốn lượng tồn kho được đánh giá sẽ phần nào được giảm bớt.
Ngoài ra, giá cước vạn tải biển cũng đang đen đến tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp thép lớn. Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept nhận định: “Cước vận tải biển quốc tế đang giảm sâu khoảng gần 50% - nhất là với các tuyến đi xa sang Châu Âu, Mỹ. Với các tuyến nội địa, cước cũng giảm khoảng 10 - 15%”.
Tuy nhiên, các vấn đề đối với nhóm thép nhà đầu tư cần lưu ý gồm:
- Biến động tỷ giá: Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 109,575.
Giá USD chạm đỉnh 24 năm so với đồng Yên Nhật Bản sau khi dữ liệu thị trường lao động Hoa Kỳ không xoa dịu được lo ngại của nhà đầu tư về việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.
Ở một diễn biến khác, đồng Euro đã tăng 0,21% so với đồng USD - hiện neo ở mốc 0,9965 USD. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ có cuộc họp vào tuần tới và các nhà đầu tư đặt cược rằng ECB sẽ tăng 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách lần này. Trong khi đó, đồng bảng Anh giảm 0,24% so với đồng USD xuống còn 1,1516 USD qua đó xác lập mức giảm tuần mạnh khoảng 1,9%
Thời gian qua, đồng bạc xanh liên tục được hỗ trợ bởi các đợt tăng lãi suất tích cực từ Fed với nỗ lực chống lại lạm phát trong khi dữ liệu kinh tế mới được công bố hôm 30/8 đã tiếp tục hậu thuẫn cho hành động “diều hâu” của Fed.
- Mùa mưa và thấp điểm xây dựng: Sang quý III/2022, sản lượng tiêu thụ thép vẫn bị đánh giá ở mức thấp do đây là mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng dẫn tới nhu cầu về ngành thép không cao.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại các nhà máy thép cầm chừng do tồn kho lớn. Lượng hàng tồn kho lớn trong bối cảnh giá thép liên tục giảm sẽ khiến giá vốn ở mức cao trong quý này.
Trong báo cáo cập nhật cách đây không lâu, Chứng khoán Agriseco cho biết, giá thép thế giới có dấu hiệu phục hồi trong khi nguyên liệu than cốc giảm giá; giá thép tăng khi khi nhu cầu tích trữ tăng lên và một số nhà máy thép tại Trung Quốc đang có dấu hiệu dần khôi phục lại hoạt động sản xuất sau một thời gian dài.
Kì vọng giá bán thép trong nước sẽ phản ánh đà phục hồi này trong thời gian tới cùng với việc giá than cốc có xu hướng quay đầu giảm nhanh từ quý II sẽ giúp cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2022. Dài hạn hơn, việc Trung Quốc dừng gia hạn chính sách Zero COVID sẽ không chỉ kéo dài đà hồi phục của giá thép mà còn giúp cải thiện nhu cầu thép trên toàn cầu từ đó rút ngắn chu kì giảm của ngành.