Nông sản Việt Nam có bốn mùa, các nền tảng giao dịch điện tử được hỗ trợ ngày càng nhiều, mạng lưới logistics phát triển… đang là những thuận lợi khiến cho ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến bán hàng nông sản online.
Sáng tạo từ những sản vật của địa phương
Tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề "Kết nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số", do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 6/7, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ những câu chuyện khi đưa nông sản lên các nền tảng mạng xã hội và thu hút được nhiều khách hàng.
Bạn Nguyễn Thị Tường Thảo (kênh Tiktok Thảo Mola của "Món lạ vườn nhà" với gần 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích đến từ Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ câu chuyện của mình: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Ka Đô, Đơn Dương - thủ phủ rau của tỉnh Lâm Đồng. Khi trưởng thành, tôi là một kỹ sư hóa học, từng có thời gian làm việc trong phòng kiểm định hóa chất của một công ty nước ngoài ở TPHCM với mức lương không hề thấp. Thế nhưng, tình yêu với nông sản khiến tôi trở về khởi nghiệp với nông nghiệp".
Về lại Lâm Đồng, Thảo đã xin vào làm HTX Vườn nhà Đà Lạt. Tại đây, Thảo thấy khá tiếc vì rau sạch và đa dạng nhưng lượng bán ra cũng không nhiều. Thảo đã đề xuất với lãnh đạo HTX về việc bán hàng online, nhưng không được đồng ý, do phương thức này quá mới và mọi người cũng tạm bằng lòng với sản lượng được bán.
Sau đó, Thảo đã tự mình mày mò nghiên cứu để tạo kênh Tiktok "Món lạ vườn nhà", tự quay, dựng và tải video lên với mục đích giới thiệu cho nhiều người biết về những sản phẩm nông sản độc lạ mà HTX Vườn nhà Đà Lạt đang có.
"Từ các video giới thiệu về ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, cà rốt cầu vồng, ớt móng tay... sau chưa đầy 2 tháng lập kênh, tôi đã có video trên 4 triệu lượt xem. Đặc biệt, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem như trở thành một hiện tượng mạng. Có ngày tôi nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này. Lần đầu tiên mở tính năng livestream bán hàng, chỉ sau 15 phút, tôi chốt được gần 1.000 đơn hàng", Tường Thảo cho biết.
Nhờ cách bán hàng qua nền tảng mạng xã hội, doanh thu của HTX chỉ trong tháng 6 vừa qua đã đạt 1,2 tỷ đồng.
Tại hội nghị, câu chuyện của bạn Chảo Thị Yến (Lào Cai) cũng thu hút được nhiều sự quan tâm.
Chảo Thị Yến là một thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Yến cũng mới xây dựng kênh Tiktok của mình sau khi tham dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm ngoái.
Yến cho biết: "Từ đợt dịch COVID-19, em đã thấy tiềm năng bán hàng trên Tiktok, nhưng em lại không có sản phẩm để bán, trong khi bà con nông dân có hàng bán nhưng chưa biết cách làm video Tiktok. Do đó, em đã có hướng dẫn cho các nhóm nông dân để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số này.
Trước đây, em vẫn nghĩ việc livestream bán hàng khiến 'giá trị' bản thân đi xuống. Sao mình là thạc sĩ học ở nước ngoài về mà phải ngồi bán hàng livestream? Nhưng khi làm thì thấy hiệu quả rất to lớn, và thấy việc làm này có thể mang lại hiệu quả rất lớn cả về mặt hình ảnh lẫn lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng thì không lý do gì mà không tiếp cận", Chảo Thị Yến chia sẻ thêm.
Cần chuyên nghiệp hóa việc bán hàng nông sản online
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty cổ phần Bagico, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã truyền đạt lại kinh nghiệm làm thương mại nông sản của mình.
Bà Thực đã kết nối các những nhà nông trẻ thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. HTX đã có những thành tích, thành tựu nhất định đã giúp cho những thành viên xây dựng thương hiệu riêng.
Bà Thực cho biết: "Các bạn trẻ khi khởi nghiệp, khi sử dụng nền tảng xã hội, truyền thông trên mạng, thương mại điện tử thì rất nhanh và rất dễ, không quá tốn kém. Nhưng để thành công được đòi hỏi gốc rễ của sự hiểu biết, cũng như xây dựng sản phẩm, phương án phải rất chỉn chu".
Với kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại nông sản xuyên biên giới của mình, bà Thực nhấn mạnh việc vận chuyển đang là một trong những khâu làm hư hao nông sản, chiếm chi phí cao trong giá thành sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.
"Tôi lấy đơn cử như sầu riêng khi hái từ cây xuống trước 1-2 ngày để cho chín đều thì đã hao 15-20% trọng lượng. Chuyển ra Hà Nội bán đến tay người tiêu dùng thì hư hao thêm 10-15% nữa. Đây là một trong những chi phí không dễ gì người tiêu dùng có thể hiểu và biết được. Vì sao giá sầu riêng ở vườn 70.000 đồng, bán lẻ lại đến 200.000 đồng", bà Thảo cho biết.
Người bán cần truyền thông, nhấn mạnh vào chi phí tác động đến giá thành, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng biết. Thêm nữa, trong quá trình đóng gói sản phẩm, người bán cũng cần để người mua thấy các khoản chi phí, thì tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chấp nhận và thông cảm, đồng thời, sự cạnh tranh khác sẽ giảm thiểu".
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận: Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào. Bán hàng online giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau.
Tuy nhiên ông Hoàng Trọng Thủy cũng lưu ý, trong quá trình bán hàng online, nhiều bạn trẻ vẫn còn hạn chế trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.
Bên cạnh đó, khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu, mà mới tập trung bán hàng. Thiếu nhân lực giải đáp các vấn đề với khách hàng, khi thiếu vấn đề này thì tính truyền thông về mặt hàng sẽ bị hạn chế. Do đó, việc phát triển thị trường, kết nối học tập và trao đổi của các bạn vẫn còn khá khiêm tốn.