Nhức nhối vàng “lậu” - bài cuối: Ngăn chặn cách nào?

29-06-2023 15:22|Nguyễn Giang

Việc thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới để ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay…

nhuc-nhoi-vang-lau-bai-cuoi-ngan-chan-cach-nao-1.jpg
Đối tượng Nguyễn Thị Hóa và tang vật trong vụ buôn lậu vàng trị giá 5.000 tỷ đồng mới đây

Như PV đã thông tin, tình trạng buôn lậu vàng tại Việt Nam vẫn diễn ra dai dẳng những năm gần đây, theo ước tính, mỗi năm có khoảng 20 tấn vàng "lậu"tuồn vào Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng, việc chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới đang tạo kẽ hở và trở thành động lực cho các đối tượng buôn lậu vàng hoạt động. Đáng nói, việc chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước là câu chuyện đã được phân tích mổ xẻ và nhiều ý kiến đề nghị cơ quan quản lý vào cuộc trả lại sự liên thông cho thị trường vàng từ nhiều năm nay. Nhưng, điều lạ là càng ý kiến, khoảng cách chênh lệch không những không giảm mà ngày càng cao.

Đáng chú ý, từ cuối năm 2011, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố, SJC trở thành thương hiệu vàng độc quyền của Nhà nước và đặt mục tiêu kéo giá vàng trong nước lên mức cao hơn giá vàng thế giới từ 300.000 – 400.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng ra đời, khoảng chênh lệch này ngày càng cao hơn. Vậy phải chăng Nghị định này không còn hiệu quả hay đã đến lúc cần sửa đổi?

Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nghiêm túc và quyết liệt Nghị định 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Bởi vì, theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất có quyền nhập khẩu vàng thế giới để sản xuất vàng miếng.

Việc nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn được miễn thuế nhập khẩu nên giá vàng miếng trong nước nhờ đó không phải gánh thêm chi phí này như trước đây. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc sản xuất vàng không vì mục tiêu lợi nhuận, do đó giá thành cũng sẽ thấp hơn trước đây khi tư nhân còn được quyền sản xuất.

Xung quanh nội dung này, chuyên gia Nguyễn Ngọc Hân (một chuyên gia trong lĩnh vực kim loại quý) cho rằng, cần tận dụng tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong việc sản xuất vàng miếng để tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Hiện nay, theo Quyết định 1623/QÐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được Ngân hàng Nhà nước giao cho sản xuất vàng miếng.

Do đó, câu hỏi đặt ra là đối với những doanh nghiệp và tổ chức tín dụng không được sản xuất vàng miếng theo đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xử lý như thế nào với hệ thống dây chuyền, máy móc sản xuất vàng miếng trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để không lãng phí?

Vì thế theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hân, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có văn bản quy định rõ về các điều kiện mà doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần có để có thể được gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Như vậy sẽ vừa làm giảm áp lực lên lượng cung vàng miếng trong nước, vừa tận dụng được tối đa nguồn lực sản xuất vàng miếng trong nước để tối thiểu hóa chi phí sản xuất vàng.

“Cần xử phạt nghiêm khắc các hành vi nhập lậu vàng, vi phạm quyền độc quyền sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, lợi dụng chênh lệch giá để kinh doanh vàng miếng trái phép, nhất là vào thời điểm hiện nay khi mà giá vàng miếng trong nước đang chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới”, ông Hân nêu quan điểm.

Một giải pháp khác theo vị chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét về việc quy định giá vàng miếng bình quân trong nước mỗi ngày cùng với biên độ hợp lý. Điều này có nghĩa là hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố giá vàng miếng SJC bình quân. Sau đó, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng sẽ áp dụng giá mua, bán vàng dựa vào giá vàng bình quân do Ngân hàng Nhà nước công bố nhưng phải nằm trong biên độ giá mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Khi đó, giá vàng bình quân do Ngân hàng Nhà nước công bố được tính bằng giá vàng thế giới nhập khẩu cộng với chi phí sản xuất. Biên độ giá vàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước quy định phù hợp từng thời kỳ, nhưng biên độ này không nên quá lớn để tránh làm biến động giá vàng trong nước và dần thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi như hiện nay.

nhuc-nhoi-vang-lau-bai-cuoi-ngan-chan-cach-nao-2.png
Chủ tịch Công ty Vàng Phú Quý vừa bị khởi tố về tội "trốn thuế" liên quan tới vụ buôn lậu vàng trị giá 5.000 tỷ đồng tại Lao Bảo

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không thể phủ nhận tác động tích cực của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, song quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng ít nhiều đã không còn phù hợp.

“Để giải quyết những hệ lụy từ tình trạng giá vàng chênh lệch quá lớn hiện nay, trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho doanh nghiệp chế tác nhập khẩu nguyên liệu vàng phục vụ chế tác hàng xuất khẩu”, ông Thịnh đề xuất.

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022, trước ý kiến cho rằng sau 10 năm áp dụng để chống “vàng hoá” nền kinh tế, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, cho biết: Trước đây khi xây dựng Nghị định 24/2012/NĐ-CP để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong suốt 10 năm qua, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, sau 10 năm, do những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của hàng hóa vàng thế giới với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá câu chuyện vàng thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân như thế nào, vừa đánh giá câu chuyện giữa các thương hiệu vàng hiện nay ra sao?…

“Không phải Quốc hội đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước mới nghiên cứu mà việc này các đơn vị chức năng đã nghiên cứu hàng năm nay. Nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Cũng theo ông Tú, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

“Việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần đánh giá, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội”, ông Tú nói.

Nhức nhối vàng “lậu” - bài 3: Hệ lụy khôn lường

Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 2: Hành trình “thoát xác”

Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 1: Buôn lậu “khủng” chỉ là bề nổi

Loạt doanh nghiệp dầu khí tiết lộ lãi khủng, cổ phiếu “vàng đen” lội ngược dòng thị trường

Nhức nhối vàng “lậu” - bài 3: Hệ lụy khôn lường

Giá vàng rơi tự do sát ngưỡng kháng cự, dân ôm "hàng" lỗ nặng

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/nhuc-nhoi-vang-lau-bai-cuoi-ngan-chan-cach-nao-246555.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhức nhối vàng “lậu” - bài cuối: Ngăn chặn cách nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH