Một người trẻ sống tiết kiệm sẽ đủ bản lĩnh để không rơi vào sự bấn loạn khi bị đánh giá và trên hết tự bản thân họ không dùng thước đo vật chất để tự định vị mình.
Có thể nói đa phần người Việt, nhất là người trẻ hiện nay đang không biết cách tiết kiệm. Cùng với đó, quan điểm đánh đồng tiết kiệm với keo kiệt, bủn xỉn càng khiến đức tính tốt đẹp này bị hiểu sai lệch.
Thói quen chi tiêu không kiểm soát
Tiết kiệm là điều mà bất kỳ ai cũng nên làm nhằm mang đến sự tự do tài chính cũng như dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai như các rủi ro về sức khỏe, tài chính. Nhất là những bài học của 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã giúp nâng cao kiến thức của người dân đối với việc tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… vốn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bạn trẻ hiện nay tuy sống trong kỷ nguyên số, có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại và tư duy rộng mở nhưng vẫn duy trì thói quen mua sắm tùy hứng, không có kế hoạch. Chính điều này khiến các bạn thường bị động tài chính cho các mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua xe…, thậm chí là những mục tiêu nhỏ hơn như đầu tư, du lịch hay chi tiêu cho dịp lễ, Tết.
Ở những xã hội mà giáo dục, nhất là giáo dục cộng đồng còn non nớt thì những hoạt động thương mại rầm rộ, những chiến lược PR quảng cáo đã khiến người ta trở nên yếu ớt trước khả năng nói "không", bị lung lay bởi những mong muốn thiển cận; nhận thức của giới trẻ dễ rơi vào một trào lưu và bị giựt dây dễ dàng.
Với nhiều người, họ sẵn sàng bỏ tiền mua một chiếc điện thoại thông minh bằng 2 tháng lương. Đi ăn tiệm thay vì nấu ăn. Mua những món hàng hiệu với giá cả đắt đỏ, chạy theo phong cách và xu thế thời trang chóng vánh...
Tiết kiệm khác keo kiệt
Bên cạnh thói quen chi tiêu không kiểm soát, "vung tay quá chán" thì việc đánh đồng tiết kiệm và keo kiệt cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ có những nhận thức sai lệch về các khái niệm này.
Ví dụ như một thanh niên đi taxi tiết kiệm sẽ hỏi xem có bạn thân, người quen tiện về cùng đường để chia tiền hoặc sẵn sàng mời đi cùng... vì điều anh ấy muốn tiết kiệm là 1 chuỗi những chi phí: chi phí bản thân, chi phí người cung ứng dịch vụ, chi phí môi trường, chi phí hao mòn cơ sở hạ tầng, tiết kiệm thời gian... anh ta chỉ đơn giản tối ưu hóa một hành động! Khi kết thúc chuyến đi, anh ta có thể tip cho tài xế nếu dịch vụ tốt hoặc không nếu dịch vụ tệ.
Trong khi đó, một người keo kiệt có thể dưới hình thức rất lượt là, óng mượt của nước hoa hàng hiệu, hột xoàn lỉnh kỉnh, lẽ đi xe riêng mà tiện đi taxi, vào ra xe của người ta đóng mạnh tay, và chẳng thèm tip dù dịch vụ tốt hay xấu vì hạ cố đi xe taxi cho là may lắm rồi! hoặc tip vào mặt người ta số tiền lớn mà không có lí do bằng thái độ trịch thượng, ban phát. Đó là sự keo kiệt trong hành xử.
Một người tiết kiệm đúng nghĩa có thể bỏ bớt hoa tặng bạn gái khi thấy chi phí trở thành bất hợp lí nhưng sẵn sàng mua cho cô ấy đôi giày cao gót loại mắc tiền có thiết kế nâng đỡ gót chân!
Bạn đừng ngại ngùng khi nói với người bán vé máy bay, nhân viên siêu thị, người bán cà rem hay nhân viên tư vấn xây dựng rằng: “Tôi muốn một loại tiết kiệm hơn!”
Hãy nhớ khi ai đó nói bạn là: “Anh tiết kiệm quá!” đó là một câu khen. Ngay kể cả họ có ý lăng mạ hay đá xéo bạn rằng bạn đang keo kiệt, hãy mỉm cười và nói cảm ơn thật chân thành khi bạn chắc chắn rằng việc làm của bạn không gây hại cho ai, mà nó vừa giảm bớt gánh nặng cho một người khác.
Tiết kiệm vẫn luôn là một bài toán dài hơi với nhiều người, đặc biệt là đối với giới trẻ. Vì vậy, hãy cân nhắc và lựa chọn cho mình cách chi tiêu thông minh để không bị rơi vào trạng thái bị động khi gặp phải khó khăn và cần dùng đến tiền.