VNZ chào sàn giá 240.000 đồng/cổ phiếu và kết thúc phiên đầu trắng bên bán, về giá tham chiếu, khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.
Ngày 5/1/2022 thị trường chứng khoán Việt Nam đón thêm 1 tân binh trong ngành công nghệ - CTCP VNG – chủ sở hữu ứng dụng Zalo triệu người mê. VNG đưa hơn 35,8 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán VNZ. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên 240.000 đồng/cổ phiếu.
Nhìn vào giá chào sàn “trên cao” của VNZ, cùng mặt bằng giá chung của nhiều cổ phiếu hiện nay trên sàn, khiến nhà đầu tư lại một lần nữa muốn nhìn lại lịch sử. Trong quá khứ, cũng rất nhiều mã chứng khoán lên sàn gây chú ý bởi định giá cổ phiếu “trên trời”. Những cổ phiếu đó bây giờ ra sao?
Bản thân VNZ phiên đầu chào sàn đã trắng bên bán, chốt phiên quay về giá tham chiếu dù bên mua đã “rải” rất nhiều lệnh ở nhiều vùng giá cao khác nhau.
IPH – Cổ phiếu một doanh nghiệp ngành in “bé hạt tiêu”: Đến và đi như một cơn lốc
Ngày 3/7/2019 sàn Upcom Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê đưa 38.431 cổ phiếu lên giao dịch với giá tham chiếu trong ngàu giao dịch đầu tiên 411.000 đồng/cổ phiếu – phá vỡ kỷ lục về thị giá giao dịch của các cổ phiếu trên sàn ngay lúc đó. Doanh nghiệp ngành in này có gì mà được định giá “khủng” đến thế?
Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê tiền thân là Phòng phát hành trực thuộc văn phòng Tổng cục thống kê, thành lập tháng 4/1976. Đến tháng 12/2012 công ty TNHH MTV được thành lập với vốn điều lệ hơn 2,05 tỷ đồng. Phiên IPO diễn ra ngày 15/5/2019 có 61.100 cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV công ty, bán 6.164 cổ phần cho công đoàn công ty. Số còn lại 138.231 cổ phần sẽ được mang ra chào bán công khai, chiếm 67,26% tổng số cổ phần của công ty với giá khởi điểm 27.200 đồng/cổ phần.
Phiên IPO diễn ra thành công ngoài mong đợi, 138.231 cổ phần được các nhà đầu tư tranh mua hết với giá đấu thành công bình quân đến 410.960 đồng/cổ phần – đây cũng là tiền đề cho mức giá tham chiếu ngày lên sàn của cổ phiếu này.
“Sức hút” của doanh nghiệp ngành in nhỏ bé với doanh thu chỉ tiền tỷ và lãi chỉ vài trăm triệu mỗi năm này lúc đó được phân tích có thể là từ số đất mà doanh nghiệp đang quản lý. Theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt sau cổ phần hóa, công ty được quản lý, sử dụng lô đất tại số 47-55 ngõ 54 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội với tổng diện tích khuôn viên đất 828m2 – diện tích sàn xây dựng 860m2 làm văn phòng, trụ sở của công ty. Đất có thời hạn 50 năm tính từ 15/10/1993 với hình thức nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.
Tuy vậy “đắng” cho những nhà đầu tư, ngay phiên đầu chào sàn IPH đã giảm kịch sàn 40% về mức 246.600 đồng/cổ phiếu. Gần như không có nhiều giao dịch giá cổ phiếu IPH sau phiên chào sàn đã không rơi vào trạng thái giảm triền miên. Tuy vậy chỉ vài phiên có giao dịch sau đó, IPH đã rơi về mức 185.000 đồng/cổ phiếu – và mức giá này được duy trì khá lâu, đến phiên giao dịch ngày 6/11/2019 giảm về 111.000 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm về 69.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Cũng kịp tăng vốn bằng việc phát hành riêng lẻ, cũng có cá nhân đã mua trong đợt phát hành riêng lẻ, nắm giữ gần 80% vốn điều lệ công ty sau đó. Tuy vậy IPH đến với chứng trường như một cơn lốc và cũng rời đi nhanh chóng. Ngày 1/4/2022 vừa qua là phiên giao dịch cuối trước khi công ty huỷ đăng ký giao dịch do công ty chưa được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, thuộc trường hợp chúng khoán huỷ đăng ký giao dịch theo quy định.
Yeah1 – cổ phiếu YEG từng tạo nhiều “sóng” trên thị trường
Tháng 6/2018 Tập đoàn Yeah1 đưa gần 27,37 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán YEG. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 250.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá vốn hoá doanh nghiệp 250.000 tỷ đồng.
Yeah1 hoạt động chính trong cảng mảng bao gồm từ kênh truyền thống như truyền hình (Yeah1TV, Yeah1Family, Imovie, Uni…), sản xuất phim điện ảnh (Yeah1 CMG) cho đến các kênh kỹ thuật số hiện đại (Digital) trên các phương tiện điện thoại thông minh, các trang mạng, các ứng dụng…
Với rất nhiều tham vọng, YEG cũng khiến các nhà đầu tư đặt nhiều sự quan tâm, YEG “tím” ngay 2 phiên đầu chào sàn, được khối ngoại mua gom gần 7,9 triệu trong phiên thứ 2. Giá lên cao nhất đến 343.000 đồng/cổ phiếu. Đó là tất cả những gì huy hoàng nhất. Ngay sau đó YEG liên tục giảm theo chuỗi phiên, trong đó đánh dấu bắt đầu bằng 4 phiên giảm sàn. Đến 2/8/2018 – hơn 1 tháng sau ngày chào sàn YEG mất mốc 200.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy YEG vẫn có nhịp hồi lại vào đầu tháng 9, kéo dài đến hết tháng 2/2019.
Sự cố với Youtube là bước ngoặt khiến cổ phiếu YEG “rơi” mãi, bắt đầu từ chuỗi 13 phiên giảm sàn. Kèm với đó là kết qủa kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Yeah1 đã nỗ lực nhiều cách để “gìm” giá cổ phiếu nhưng bất thành. Những thông báo mua gom lượng lớn cổ phiếu của lãnh đạo, những thông báo mua cổ phiếu quỹ… vẫn không thể ngăn đà giảm cổ phiếu. Hiện tại YEG đang giao dịch ngay sát dưới vùng mệnh giá, vốn hoá thị trường còn chưa đến 300 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2018 – thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn cũng là năm huy hoàng nhất của yeah1 với doanh thu 1.677 tỷ đồng và lãi sau thuế 161 tỷ đồng. Yeah1 cũng đã có động thái “thưởng” cho cổ đông hiện hữu bằng phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ “khủng” 200% sau khi lên sàn không lâu.
Sau khủng hoảng liên quan Youtube, hiện Yeah1 đang dần khắc phục, kinh doanh có lãi trở lại trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022. Yeah1 cũng đang có cuộc “cải tổ” lớn khi ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã thoái hết toàn bộ vốn, rời khỏi Hội đồng quản trị tại kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vừa qua. Người mới lên thay, những cổ đông mới thêm vào, những quyết sách mới được đưa ra, nhà đầu tư đang kỳ vọng nhìn thấy Yeah1 trở mình thời gian tới.
TV2 – nổi tiếng với EPS cao và trả cổ tức “khủng”
Tháng 6/2019 CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (EVNPECC2) đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán TV2. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 151.000 đồng/cổ phiếu và tăng cao nhất trong phiên đó lên 165.000 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức 159.300 đồng/cổ phiếu.
Thời điểm đó cổ phiếu TV2 đã không còn xa lạ với nhà đầu tư vì công ty đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom từ năm 2010 và từng tạo nhiều “sóng” khi cổ phiếu đã từng giao dịch với giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu một thời gian rất dài (giá chưa điều chỉnh).
Hoạt động của TV2 bao gồm ba mảng chính: Tư vấn xây dựng điện; Kinh doanh gồm: làm tổng thầu EPC và Gia công chế tạo cơ khí; Đầu tư dự án nguồn điện. Trong đó, mảng khảo sát, thiết kế và quản lý EPC chiếm tỷ trọng lớn. TV2 cũng tham gia ngành điện dưới tư cách chủ đầu tư, định hướng tập trung vào năng lượng tái tạo.
TV2 được nhắc đến nhiều nhất như một doanh nghiệp “bé hạt tiêu” với số vốn điều lệ khiêm tốn nhưng thường xuyên lãi lớn.EVNPECC2 cũng thường xuyên được nhắc đến trong TOP những doanh nghiệp đạt chỉ số EPS cao nhất trên sàn chứng khoán, liên tục gây bất ngờ với tỷ lệ cổ tức cao.
Trên thị trường cổ phiếu TV2 sau nhiều nhịp điều chỉnh do phát hành tăng vốn, do điều chính giá mua/bán, thì hiện tại đang giao dịch quanh mức 23.800 đồng/cổ phiếu, vốn hoá thị trường đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Năm 2019 khi công ty chuyển sàn niêm yết trên HoSE cũng là năm công ty đạt mức doanh thu lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Doanh thu đạt 3.322 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 255 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận của EVNPECC2 cũng có sự tăng trưởng mấy năm sau đó với doanh thu cao nhất năm 2021 vừa qua lên trên 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận kỷ lục 272 tỷ đồng. Tuy vậy 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu giảm hơn 2/3 xuống còn 1.033 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 20% cùng kỳ, đạt gần 42 tỷ đồng.
Techcombank lên sàn, góp thêm rất nhiều tỷ phú sở hữu nghìn tỷ
Năm 2018 sàn HoSE cũng đón thêm một ngân hàng lên niêm yết: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam Teckhcombank (TCB) với gần 1,2 tỷ cổ phiếu. Giá chào sàn 128.000 đồng/cổ phiếu khiến vốn hoá ngân hàng đạt 149.000 tỷ đồng – cao thứ 2 trong số các ngân hàng đang niêm yết thời điểm đó.
Techcombank lên sàn thời điểm đó cũng giúp cho thị trường chứng khoán có thêm rất nhiều tỷ phú sở hữu nghìn tỷ. Giá cổ phiếu cũng ở mức cao so với các ngân hàng niêm yết cùng thời điểm.
Sau hơn 4 năm, đến nay Techcombank đã tăng vốn điều lệ lên gấp 3, giá cổ phiếu cũng đã nhiều nhịp điều chỉnh do cung cầu, do tăng vốn… Hiện tại TCB đang giao dịch quanh mức 27.700 đồng/cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, Techombank cũng đang là một trong số những ngân hàng lãi lớn trên sàn chứng khoán. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 khi lên sàn đạt gần 8.500 tỷ đồng thì ngay năm 2019 đã vượt 10.200 tỷ đồng. Chỉ mấy năm sau dó, năm 2021 vừa qua lãi sau thuế đã vượt 18.400 tỷ đồng. Còn 9 tháng đầu năm 2022 lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt 16.864 tỷ đồng.
Thay cho lời kết
Rấtnhiều cổ phiếu đã từng có giá chào sàn rất. Phần lớn trong số đó đã không để lại nhiều ấn tượng đối với nhà đầu tư. Ít nhất, đó là ấn tượng về những cổ phiếu “phá vỡ” mọi suy nghĩ về giá chào sàn tại từng thời điểm.
VNZ của CTCP VNG hiện tại đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư. Sau phiên hôm qua trắng bên bán, đã có những câu hỏi trên các diễn đàn chứng khoán: tại sao các cổ đông VNG “bỏ lỡ” cơ hội đẩy giá tăng kịch biên độ 40% trong phiên đầu mà không 1 cổ phiếu nào được bán ra? Câu trả lời cũng chỉ có những cổ đông đang nắm cổ phiếu VNZ mới có thể trả lời. Nhưng “sức nóng” của cổ phiếu VNZ và kỳ lân công nghệ VNG thì vẫn còn đó.
Bức tranh tài chính của 'đại gia' nguyên liệu Á Châu sắp chào sàn với vốn hóa hơn 10.000 tỷ đồng
DSC chính thức chào sàn HoSE, cổ phiếu tăng hơn 3% trong phiên giảm điểm của nhóm chứng khoán