Xã hội

Những địa danh huyền thoại của Hà Nội gắn với mùa thu Cách mạng lịch sử và ngày Quốc khánh 2/9

Vĩ Hạ - Thùy Dung 02/09/2024 08:07

Ngày nay, những địa danh này vẫn được lưu giữ, bảo tồn như minh chứng rõ ràng, sâu sắc về một thời kỳ lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc.

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tạo thành cơn bão táp cách mạng, lật nhào ách thống trị của phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, phát xít tàn bạo, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến lỗi thời; thiết lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước…

Nhiều địa danh gắn liền với sự kiện Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội giờ đây là những điểm đến nổi tiếng mà bất kể ai tới thăm Thủ đô khó có thể bỏ lỡ.

Quảng trường Ba Đình

quang truong ba dinh

Nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam. Nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Tròn 79 năm về trước, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bấy giờ, khắp mọi nẻo đường, trên con phố Thủ đô Hà Nội đều tung bay cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại của dân tộc. Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Tư liệu

Đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Trong phần cuối của bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, quyền độc lập của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam tự giành lại, phù hợp với nguyên lý của nhân loại. Đó là một hiện thực không thể đảo ngược được.

Quảng trường Nhà hát Lớn

nha hat lon

Trước Nhà hát Lớn là Quảng trường Nhà hát Lớn (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám). Năm 1945, tại địa danh lịch sử này đã diễn ra 2 cuộc biểu tình liên tiếp trong 2 ngày 17 và 19/8.

Trong đó, vào ngày 17/8, Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức cướp diễn đàn tại cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, để bày tỏ sự ủng hộ với mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) giành chính quyền.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tại Quảng trường Nhà hát Lớn, từ 11 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người được tiến hành rất nghiêm trang, bắt đầu bằng phút chào cờ, mặc niệm và cử hành điệu nhạc Tiến quân ca. Đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang.

Nhà số 48 Hàng Ngang

Empty

Nhà số 48 Hàng Ngang là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Từ chiều ngày 25/8 đến 2/9/1945, căn nhà này đã được lựa chọn trở thành nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng sau khi Bác trở về từ Chiến khu Việt Bắc.

Chủ nhân ngôi nhà lúc bấy giờ là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Tại đây, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề trọng đại về đối nội, đối ngoại, thể chế và thành phần của Chính phủ lâm thời, cũng như việc tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Đặc biệt, cũng chính tại tầng 2 của căn nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Bản tuyên ngôn sau đó đã được Người trịnh trọng công bố trước hơn 50 vạn đồng bào Thủ đô và toàn thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Để đáp ứng lòng kính trọng và tri ân của nhân dân đối với Bác Hồ, năm 1970, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã được khôi phục và trở thành Nhà lưu niệm. Đến ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng ngôi nhà này là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 54/QĐ-VH.

Di tích hiện đang lưu giữ nhiều kỷ vật, hình ảnh tư liệu quan trọng về Bác Hồ, gắn liền với quãng thời gian Bác ở và làm việc tại số 48 Hàng Ngang như bộ quần áo kaki mà Bác đã mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, chiếc vali mây mà Bác sử dụng khi trở về từ Việt Bắc,.. Bên cạnh đó, di tích còn trưng bày nhiều hình ảnh của các bậc lão thành cách mạng và gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - nguyên chủ của ngôi nhà.

Trong thời đại mới, di tích số 48 Hàng Ngang trở thành ‘địa chỉ đỏ’ giáo dục tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ. Hiện nay, di tích đang mở cửa đón khách tham quan miễn phí tất cả các ngày trong tuần.

Bắc Bộ Phủ

bac bo phu

Bắc Bộ Phủ tiền thân là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, cơ quan đứng đầu bộ máy cai trị của Pháp tại Bắc Kỳ, trực thuộc sự giám sát của Toàn quyền Đông Dương. Tọa lạc tại trung tâm Hà Nội, Dinh Thống sứ Bắc Kỳ có mặt chính hướng về phố Ngô Quyền, phía bắc tiếp giáp phố Lê Thạch, phía nam giáp phố Đinh Lễ, và phía sau là khu vực Bưu điện.

Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư Adolphe Bussy theo phong cách cổ điển Pháp với ảnh hưởng từ thời kỳ Napoleon III. Dinh Thống sứ Bắc Kỳ bao gồm khu văn phòng xây dựng năm 1892, hiện là trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Dinh thự Thống sứ được xây dựng năm 1918.

Chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu

Chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tòa nhà bề thế mang kiến trúc tân cổ điển này đã được đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ và do chính phủ Trần Trọng Kim kiểm soát. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, Phủ Khâm sai được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ.

Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ 48 Hàng Ngang về Bắc Bộ Phủ để sinh sống và làm việc. Người ở và làm việc tại đây cho đến tháng 11/1945, khi tình hình chính trị buộc Bác phải rời Hà Nội. Sau năm 1954, Bắc Bộ Phủ đã được tu sửa và hiện nay, tòa nhà đang được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ, tọa lạc tại số 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sở Cảnh sát Trung ương bên Hồ Gươm

so canh sat

Sở Cảnh sát Trung ương bên Hồ Gươm là công trình do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1915. Sau khi Bắc Bộ phủ bị đánh chiếm thành công, lực lượng cách mạng đã tiếp tục giành quyền kiểm soát Sở Cảnh sát này.

Ngày nay, tòa nhà này là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, tại số 2 Tràng Thi. Dòng chữ “Commissariat de Police” bằng tiếng Pháp, có nghĩa là "Sở Cẩm" vẫn được giữ nguyên và nằm trên cổng trụ sở này cho đến ngày nay như một dấu ấn của lịch sử.

Trại Bảo an binh ở Hà Nội

trai bao an binh

Trại Bảo an binh ở Hà Nội là nơi đã diễn ra cuộc đấu trí giữa lực lượng cách mạng với quân đội được trang bị vũ khí hạng nặng của Nhật Bản. Bằng sự biểu dương sức mạnh quần chúng và lý lẽ của các nhà lãnh đạo cách mạng, quân Nhật đã chấp nhận rút lui, ta hoàn toàn làm chủ Trại Bảo an binh, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.

>> Quảng trường sức chứa 200.000 người lớn nhất Việt Nam, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc những áng văn lập quốc vĩ đại, khai sinh ra Nhà nước công - nông đầu tiên của Đông Nam Á

Rợp sắc cờ hoa mừng Quốc khánh 2/9

Người dân xếp hàng vào Lăng viếng Bác nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhung-dia-danh-huyen-thoai-cua-ha-noi-gan-voi-mua-thu-cach-mang-lich-su-va-ngay-quoc-khanh-2-9-d132011.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Những địa danh huyền thoại của Hà Nội gắn với mùa thu Cách mạng lịch sử và ngày Quốc khánh 2/9
POWERED BY ONECMS & INTECH